Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Không cần quá chú trọng kiến thức chuyên môn, nhưng nền tảng kiến thức quản trị là yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ vị Giám đốc điều hành (CEO) nào. Bởi thiếu kiến thức quản trị sẽ gây ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Hợp tác Nhật Bản, khảo sát hơn 63.760 DN tại 30 tỉnh, thành phía Bắc cho thấy trình độ lãnh đạo điều hành của đa số CEO tại nước ta kiến thức còn rất thấp.

Một vài con số thống kê đáng chú ý:

  • Chỉ 54,5% chủ doanh nghiệp có trình độ từ Cao đẳng, Đại học trở lên. 45,5% còn lại có trình độ bậc Trung học phổ thông, chưa qua đào tạo Đại học
  • Vỏn vẹn 3,7% có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ.
  • 30% có trình độ Cao đẳng trở lên được đào tạo về quản trị kinh doanh và kiến thức kinh tế. 70% còn lại chưa qua đào tạo.

Sự yếu kém về kỹ năng quản trị của một CEO là điều hết sức nguy hiểm đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Các nhà quản lý không đủ năng lực có thể tự tạo ra những thách thức liên quan đến cách làm việc của nhân viên và giữ động lực cho họ.

Ngoài ra, các nhiệm vụ quan trọng như cân đối ngân sách, tăng doanh thu hoặc khả năng thực hiện các chiến lược phát triển trọng yếu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro khi thực hiện.

Nếu xuất hiện những lời phàn nàn từ nhân viên về cách thức quản lý hay những người thuộc phân cấp quản lý, hãy làm rõ để tổ chức không phải chịu hậu quả từ sự quản lý yếu kém.

Quản lý yếu kém là nguyên nhân trực tiếp khiến các tổ chức đóng cửa vĩnh viễn. Đây không phải là câu chuyện cũ hay mới mà nó sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp không kịp thời xử lý. Dưới đây là một số ảnh hưởng có thể thấy rõ, trực tiếp từ sự thiếu hụt kỹ năng quản trị. Việc nhận ra và khắc phục sớm sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Suy giảm tinh thần của tổ chức

Tinh thần nhân viên thấp đến một phần từ việc quản lý yếu kém. Khi nhân viên bắt đầu phàn nàn với nhau hoặc hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực tối thiểu hoặc không hoàn thành công việc đúng hạn, có thể họ đang thiếu động lực do người quản lý không truyền được cảm hứng và hỗ trợ nhân viên.

Trong công việc hằng ngày, nhân viên có thể chịu sự bất công hay định kiến từ đồng nghiệp, khi đó họ cần một nhà quản lý có khả năng phân giải, gắn kết mọi người, là người hỗ trợ họ quay trở lại thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tốt nhất.

Một nhà quản lý yếu kém sẽ không chú ý đến nhu cầu của nhân viên, chẳng hạn như giúp họ cân bằng giữa nhiệm vụ công việc và cuộc sống cá nhân hay những chương trình đào tạo.

Theo báo cáo khảo sát của Australian Institute of Management và Đại học Monash: Trên thực tế, 83% trong số gần 2000 nhà quản lý (bao gồm cả cấp độ CEO) được đánh giá là có kỹ năng lãnh đạo ở mức trung bình hoặc dưới trung bình, nhất là về giao tiếp, sự ảnh hưởng chiến lược và khả năng giám sát giúp cải tiến hiệu suất, tinh thần làm việc của nhân viên.

Giảm năng suất của nhân viên – Đánh mất nhân sự chất lượng

Đặt ra tiêu chuẩn và giám sát việc thực thi được hiệu quả các tiêu chuẩn đánh giá năng suất lao động của nhân sự là việc làm khó khăn đối với người quản trị yếu kém. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và doanh thu của doanh nghiệp.

Bản thân động lực lớn nhất, bền vững nhất của mỗi nhân viên là nhìn thấy được sự phát triển qua từng ngày của chính mình. Nếu quản lý không xác định rõ ràng kỳ vọng về hiệu suất hoặc giúp họ theo dõi về hiệu suất làm việc thì năng suất công ty có thể bị ảnh hưởng và suy giảm doanh thu. Ngoài ra, việc không được đánh giá phù hợp còn là nguồn cơn gây giảm động lực và rời đi của những nhân sự chủ chốt, chất lượng của công ty. Sự ảnh hưởng dây chuyền của việc nhân sự ra đi hoàn toàn có thể xảy ra.

Suy giảm lợi nhuận

Quản lý yếu kém có thể dẫn đến giảm lợi nhuận theo hai cách: bằng cách không giám sát nhân sự đúng cách và không cân đối ngân sách công ty. Khi nhân viên phải đối mặt với quản lý yếu kém, họ có thể dành thời gian tìm kiếm việc làm khác và không tập trung vào việc đạt được các mục tiêu của tổ chức. Điều này khiến công ty phải trả một mức lương không hề nhỏ cho một hiệu suất thấp.

Bộ phận kinh doanh thường có sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo trực tiếp từ các nhà quản lý, nên khi bị ảnh hưởng bởi quản lý yếu kém, lợi nhuận gộp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi hạn ngạch không đạt đươc. Ngoài ra, các quyết định thiếu chính xác như chi tiêu quá cao hoặc sai sót trong quản lý dòng tiền, kinh doanh với lợi nhuận thấp sẽ nhận thấy rõ.

Thất bại trong kinh doanh

Quản lý yếu kém khiến nhiều tổ chức đóng cửa vĩnh viễn trong quá khứ và đương nhiên vẫn còn tiếp tục. Hiện trạng quản lý yếu kém trong khi luôn yêu cầu doanh thu cao từ nhân viên; chi phí tuyển dụng và đào tạo trở khó khăn, thì kết cục rất có thể sẽ là dấu chấm hết cho khả năng hoạt động của một doanh nghiệp.

Quản lý yếu kém cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài chính, nếu quỹ của công ty bị quản lý sai hoặc ngân sách bị bội chi so với doanh thu. Nếu không có sự tính toán cẩn thận và triển khai tốt thì nguồn dự trữ kinh doanh có thể bị tiêu tán một cách nhanh chóng. Khi ấy, những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu là không thể lường trước.

Bài này đã được đọc 733 lần!