Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao đạt hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của một số nước và Việt Nam; Các khuyến nghị đề xuất với du lịch Hà Giang.
Tóm tắt:
Nghiên cứu các mô hình du lịch nông nghiệp của một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và một số tỉnh của Việt Nam, từ đó tìm ra điểm chung của những cách làm du lịch nông nghiệp khác nhau. Đó là phải tìm kiếm, khai thác những đặc trưng riêng, vận dung những yếu tố lợi thế và cả không lợi thế để thành công. Nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị với Hà Giang trong xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp là: Cần có sự quản lý và hỗ trợ của nhà nước, xây dựng DLNN gắn với xây dựng nông thôn mới, xuất phát từ đặc trưng của nền tảng nông nghiệp truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại, dựa trên sự chuyên nghiệp, liên kết, hợp tác và hoạt động xúc tiến quảng bá.
Từ khóa: Mô hình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp; Phát triển kinh tế bền vững, Khuyến nghị đối với du lịch Hà Giang.
1. Đặt vấn đề
Du lịch nông nghiệp (DLNN) (còn gọi là Agrotourism hay Agritourism) là một loại hình du lịch liên quan đến việc thăm quan các trang trại và tham gia các hoạt động nông nghiệp, như hái trái cây, thu hoạch nông sản, cho động vật ăn, tìm hiểu về cuộc sống nông dân, v.v.
DLNN diễn ra tại các địa điểm có liên quan đến nông nghiệp, như trang trại, ruộng vườn, rừng cây, ao hồ, cơ sở nuôi dưỡng động vật hoặc thực vật. Các chủ thể tổ chức du lịch nông nghiệp có thể là các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
DLNN là cơ hội để kết hợp các thế mạnh của ngành du lịch và nông nghiệp mang lại lợi ích kinh tế, giáo dục và xã hội cho khách du lịch, đơn vị kinh doanh và cộng đồng nông nghiệp. DLNN mang lại cho người nông dân cơ hội tạo thêm thu nhập và là con đường tiếp thị trực tiếp tới người tiêu dùng. DLNN có thể hỗ trợ tăng trưởng cho ngành du lịch bằng cách tăng lượng du khách đến một khu vực và thời gian lưu trú dài hơn. DLNN cũng mang lại cho cộng đồng tiềm năng tăng thu nhập địa phương và cơ hội việc làm mới. Ngoài ra, DLNN còn thực hiện giáo dục cho cộng đồng về nông nghiệp và môi trường.
Theo một báo cáo của Fortune Business Insights, quy mô thị trường du lịch nông nghiệp toàn cầu trị giá 69,24 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 117,37 tỷ USD vào năm 2027. Xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự chú ý từ du khách cũng như các nhà làm du lịch trong những năm gần đây. Du khách ngày càng mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, được tham gia vào việc học hỏi, sáng tạo trong các chuyến đi của mình và đóng góp cho các hoạt động bảo tồn hơn là chỉ nghỉ dưỡng đơn thuần (Ngọc Mai, 2022).
Việt Nam là đất nước có hơn 70% số dân sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển tuyến điểm và loại hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp và ẩm thực truyền thống. Thống kê sơ bộ, tính đến nửa năm 2023, Việt Nam có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. DLNN vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.
Phát triển DLNN là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025).
Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, nổi tiếng với những cảnh quan đẹp, độc đáo và phong phú về văn hóa các dân tộc thiểu số, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp. BCH Đảng bộ Tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn 2030, trong đó xác định DLNN là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhằm đưa đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị về hoạt động sản xuất nông nghiệp và thưởng thức đặc sản địa phương do chính tay mình thu hoạch; qua đó làm đa dạng sản phẩm du lịch và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Vấn đề đặt ra là Hà Giang nên quy hoạch DLNN theo định hướng như thế nào, cơ sở để xây dựng quy hoạch. Báo cáo nghiên cứu này đi sâu phân tích một số mô hình DLNN trong nước và quốc tế, từ đó đề xuất một số khuyến nghị với địa phương về cơ chế, chính sách nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch ở Hà Giang.
2. Tổng quan về nghiên cứu
Nghiên cứu về du lịch nông nghiệp là một lĩnh vực mới mẻ và đang phát triển trên thế giới. Các nghiên cứu về du lịch nông nghiệp có thể tập trung vào các khía cạnh như:
- Định nghĩa, phân loại và đặc điểm của du lịch nông nghiệp.
- Nguyên nhân, xu hướng và tiềm năng của du lịch nông nghiệp.
- Các mô hình, kinh nghiệm và ví dụ thành công của du lịch nông nghiệp ở các quốc gia khác nhau.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch nông nghiệp, như chính sách, pháp luật, kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường…
- Các tác động và hiệu quả của du lịch nông nghiệp đối với các bên liên quan, như du khách, người dân địa phương, doanh nghiệp, chính quyền…
- Các chiến lược, giải pháp và khuyến nghị để phát triển bền vững du lịch nông nghiệp.
Một số quan điểm về khái niệm DLNN như sau:
Theo tác giả Bùi Thị Lan Hương: “Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ tư liệu sản xuất, đất đai, con người, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kĩ thuật canh tác và sản phẩm làm ra… đến những yếu tố tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, canh tác… đều là cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp”. (Bùi Thị Lan Hương, 2019)
DLNN là một phân nhóm cụ thể của du lịch nông thôn (Ngô Thị Phương Lan & Cộng sự, 2020). Theo Schilling và cộng sự, (2006, tr.8), du lịch nông nghiệp được gọi là “bất kỳ hoạt động nào được thực hiện tại một trang trại hoặc trang trại cho phép các thành viên của công chúng, vì mục đích giải trí, giải trí hoặc giáo dục, xem hoặc thưởng thức các hoạt động nông thôn, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi gia súc, lịch sử, văn hóa, các hoạt động thu hoạch của riêng của khách, hoặc các hoạt động và điểm tham quan tự nhiên” (Schilling, Marxen, Heinrich, Brooks, 2006).
Theo David Preece (2015): Du lịch nông nghiệp là hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp và của cộng đồng nhằm giới thiệu với du khách về quá trình sản xuất và các di sản nông nghiệp của vùng nông thôn. Xét một cách toàn diện thì sản phẩm du lịch nông nghiệp có thể chia thành 4 loại: (1) Sự hấp dẫn gắn với sản xuất như: đồng ruộng, nhà xưởng, nông cụ, quy trình sản xuất; (2) Các sự kiện đặc biệt như: triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo; (3) Các hoạt động giải trí như: đi bộ đường dài, đi xe đạp, cưỡi động vật, dã ngoại; (4) Các dịch vụ như: phòng nghỉ, cắm trại, bán lẻ hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ…
Có nhiều nghiên cứu trong nước tập trung phân tích đánh giá thế mạnh DLNN của các địa phương giàu tiềm năng như Hà Nội, Lâm Đồng, Cần Thơ…
Nhìn chung các nghiên cứu đều cho rằng phát triển DLNN là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.
Xác định được vấn đề đó nên UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030 vào ngày 29/10/2021. Điều này chứng tỏ sự cần thiết của việc phân tích kinh nghiệm triển khai của các mô hình DLNN trong và ngoài nước để có những định hướng phù hợp trong việc thúc đẩy, quy hoạch và đánh giá hiệu quả của các mô hình DLNN hiện nay.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nguồn thông tin nghiên cứu: thông tin được tổng hợp, phân tích từ các tài liệu đã được công bố qua các nghiên cứu, tài liệu hội thảo, các bài báo và các nghiên cứu của tác giả.
Phương pháp nghiên cứu:
– Phương pháp thu thập, xử lý, phân tích và tổng hợp tài liệu, số liệu: Tiến hành thu thập các nguồn số liệu, tài liệu, thông tin từ các nguồn khác nhau như công trình nghiên cứu, sách, bài báo, các tạp chí, trang website trong và ngoài nước, các tài liệu, các báo cáo của các cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương các huyện và tỉnh Hà Giang. Phân tích và tổng hợp các số liệu, thông tin thu thập được, tiến hành đánh giá thực trạng và các tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp Hà Giang cũng như tạo cơ sở khoa học trong đề xuất các khuyến nghị.
– Phương pháp khảo sát thực địa: Nghiên cứu khảo sát thực tế tại địa bàn: một số khu du lịch nông nghiệp ở Đài Loan (Trung Quốc) nhằm tìm hiểu hiện trạng phát triển DLNN ở vùng lãnh thổ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự Việt Nam. Khảo sát thực tế tại Hà Giang thông qua nhiều chuyến đi thực tế tại các địa phương có khả năng phát triển DLNN trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2023.
Thông qua các chuyến đi khảo sát thực địa, tác giả tiến hành quan sát, phỏng vấn người dân địa phương trên các địa bàn để có những nhận định khách quan của cộng đồng về phát triển DLNN với đối tượng được phỏng vấn là nhân dân địa phương, khách du lịch nội địa và quốc tế, ban quản lý các khu du lịch… nhằm phục vụ cho việc đánh giá tiềm năng và sự phát triển của du lịch nông thôn.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Một số vấn đề lý luận
4.1.1 Khái niệm du lịch nông nghiệp
Đã có rất nhiều nghiên cứu về DLNN của các tác giả ở nhiều các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên các khái niệm và cách hiểu về DLNN cũng khác nhau. Ở Việt Nam, có một số nghiên cứu về DLNN nhưng còn rất ít, các bài viết chủ yếu từ các bài dịch lại từ tài liệu nước ngoài, các tin bài trên báo. Nghiên cứu này sử dụng khái niệm về DLNN của tác giả Phạm Thị Mỹ Dung như sau:
“DLNN là một loại hình của du lịch nhằm cung ứng sản phẩm và dịch vụ dựa vào nền tảng nông nghiệp nhằm phục vụ cho khách du lịch nông nghiệp hoặc khách kết hợp du lịch nông nghiệp. Kinh doanh DLNN là hoạt động kinh doanh dịch vụ diễn ra tại các đơn vị đang tiến hành sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút và cung cấp cho khách các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, giáo dục, vui chơi, rèn luyện với các hoạt động nông nghiệp từ đó tạo ra thu nhập cho các bên cung ứng sản phẩm dịch vụ và góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hoá nông nghiệp.” (Phạm Thị Mỹ Dung, 2023).
Từ khái niệm trên có thể thấy DLNN có các yếu tố cấu thành như sau:
- Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, hoạt động du lịch diễn ra tại cơ sở đang tiến hành hoạt động nông nghiệp;
- Cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động nông nghiệp để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông
- Các bên tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ (đặc biệt là nông dân) đều có thu nhập từ hoạt động du lịch; Nhà nông có việc làm; Kết quả của DLNN cũng chính là kết quả của kinh tế nông thôn.
- Góp phần bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống.
- Để đảm bảo tính bền vững, hoạt động DLNN phải gắn với xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao
4.1.2. Sản phẩm du lịch nông nghiệp
Sản phẩm du lịch là yếu tố chủ đạo thu hút sự quan tâm của khách du lịch đối với một điểm đến, đây cũng chính là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch địa phương. Mục đích phát triển du lịch và nhu cầu của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành sản phẩm du lịch phù hợp. Khi so sánh với các sản phẩm du lịch khác, sản phẩm DLNN cần có sự khác biệt, với đặc trưng riêng và chất lượng cao, để có thể tạo nên sự hấp dẫn, thu hút khách hàng.
Sản phẩm DLNN bền vững là sản phẩm du lịch có khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống và tôn trọng văn hóa của cộng đồng bản địa.
Để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp bền vững, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và nông nghiệp, phát huy các tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, sản vật của địa phương. Một số yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp bền vững là:
- Xác định mục tiêu, đối tượng và thị trường mục tiêu của sản phẩm du lịch
- Nghiên cứu và đánh giá các tài nguyên du lịch có sẵn hoặc tiềm năng tại điểm đến bao gồm các yếu tố thiên nhiên, văn hoá, các đặc trưng của cộng đồng dân cư, vị trí địa lý, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, nguồn lực tại địa điểm, các vấn đề trong nội bộ cộng đồng;
- Lựa chọn và thiết kế các hoạt động du lịch phù hợp với tài nguyên du lịch và nhu cầu của thị trường.
- Xây dựng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động du lịch
- Tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch
Một số sản phẩm DLNN phổ biến:
– Trải nghiệm, giáo dục và nghiên cứu: các hoạt động, mô hình nông nghiệp kết hợp trải nghiệm làng nghề: cung cấp các dịch vụ hướng dẫn thực hành làm nghề nông. Kết quả của chương trình trải nghiệm là những kiến thức cho du khách về nông nghiệp, cuộc sống nông thôn, văn hoá lao động, cách sử dụng các công cụ sản xuất.
– Văn hoá ẩm thực: tham gia hoạt động nấu ăn cùng người nông dân tại nông trại, học cách chế biến những món ăn truyền thống của địa phương. Nguyên liệu dùng cho nấu ăn là những sản phẩm có sẵn tại nông trại, các đơn vị liên kết hoặc sản phẩm do khách tự thu hái
– Dịch vụ lưu trú: khách du lịch có thể lưu trú tại nông trại với tư cách như thành viên trong gia đình hoặc có thể lưu trú dài hạn để thực hiện nghiên cứu, hay tham gia hoạt động tình nguyện nông nghiệp
– Kinh doanh nông sản: mua sắm các sản phẩm nông nghiệp của nông trại, cửa hàng nông sản, các khu bán đặc sản địa phương.
4.1.3. Một số vấn đề cần lưu ý khi phát triển DLNN ở Việt Nam
DLNN có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, nhưng cũng gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là:
Thiếu quy hoạch, quản lý và đầu tư cho DLNN. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch chi tiết, cụ thể và đồng bộ để phát triển DLNN theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa và an toàn cho du khách. Nhiều mô hình DLNN được phát triển theo kiểu tự phát, thiếu sự liên kết, hỗ trợ và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. Nguồn vốn đầu tư cho DLNN còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.
Sản phẩm DLNN còn đơn điệu, ít sáng tạo và khác biệt. Nhiều điểm DLNN chỉ tập trung vào một số hoạt động trải nghiệm như hái hoa, bắt cá, gặt lúa… mà thiếu sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được khai thác và tận dụng triệt để để phục vụ du lịch. Nhiều sản phẩm DLNN còn thiếu chất lượng, an toàn và uy tín, không đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của du khách.
Tác động tiêu cực của DLNN đến môi trường, xã hội và văn hóa. Một số điểm DLNN đã gây ra ô nhiễm môi trường do thiếu hệ thống xử lý chất thải, tiêu hủy rác thải không đúng quy định. Một số hoạt động DLNN đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và thu nhập của người dân địa phương. Một số giá trị văn hóa truyền thống của các làng quê đã bị biến tướng, mất đi bản sắc do sự thích ứng quá mức với yêu cầu của du khách.
4.2. Mô hình phát triển sản phẩm DLNN đặc trưng, chất lượng cao của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới
4.2.1. Mô hình DLNN ở Đài Loan:
Ở Đài Loan, năm 1998, du lịch nông thôn đã trở thành một phần của phát triển nông thôn, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và cải thiện mức sống ở những vùng nông thôn một cách có ý nghĩa (Bùi Thị Lan Hương, 2019). Tới những năm 2000, Chính phủ Đài Loan đã quyết định quy hoạch các khu vực để phát triển tuyến điểm và loại hình DLNN với mục tiêu phát triển thành một ngành kinh tế mới, tạo ra thu nhập tốt cho người nông dân, giữ gìn tính đa dạng của nền kinh tế và bảo vệ nền nông nghiệp truyền thống của Đài Loan.
Một số điểm DLNN nổi tiếng của Đài Loan như nông trang Thanh Cảnh ở Nam Đầu, nông trường Wuling khu vực Đài Trung, các trang trại ở Hoa Liên… Các trang trại dạng này đều được hình thành từ những năm 60 thế kỷ 20 với mục đích sản xuất nông nghiệp, sau đó qua một số lần chuyển đổi phát triển thành các điểm thu hút khách du lịch. Cá nhân nhà nông, hoặc các tổ chức hoạt động nông nghiệp (hợp tác xã, hội cựu chiến binh) là chủ thể quản lý chính của các mô hình này. Các sản phẩm và dịch vụ chính liên quan đến các hoạt động như chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và các nội dung giáo dục về nông nghiệp và thực phẩm. Các điểm du lịch này tạo thành một chuỗi cung cấp các hàng hoá dịch vụ khép kín phục vụ khách tới thăm.
Nông trường Thanh Cảnh (Qingjing Farm) được thành lập năm 1961, nằm ở vị trí 1750 m so với mặt nước biển. Khu vực này được thiết kế theo phong cách Bắc Âu và được gọi với cái tên “Cõi bồng lai” (Cục Du lịch Đài Loan). Ở nông trường này, các tuyến điểm tham quan được bố trí có hệ thống, rất khoa học dẫn dắt khách du lịch theo một lộ trình với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Khu vực nông trang với phong cách một nông trang lớn với trang trại ngựa, cừu, đồng cỏ…trở hành tâm điểm của cả khu vực. Sự phát triển của nông trang có ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực lân cận. Hầu hết các điểm phục vụ khách du lịch, nhà dân ở đây đều có kiến trúc mang hơi hướng châu Âu tạo nên một thị trấn đặc biệt thu hút khách trong và ngoài Đài Loan đến tham quan.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các chủ thể đưa công nghệ kết hợp với các hoạt động canh tác truyền thống để tăng khả năng cạnh tranh. Mô hình DLNN ở Đài Loan là mô hình rất thành công, thu hút được đông đảo khách nội địa cũng như quốc tế, tạo thu nhập cao cho cộng đồng địa phương.
Với cách làm phù hợp, hiệu quả DLNN đã giúp Đài Loan bảo tồn được ngành nông nghiệp, và ngăn sự ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đô thị hóa với các vùng nông thôn, các cảnh đẹp thiên nhiên và sự đa dạng sinh học được bảo tồn.
4.2.2. Mô hình DLNN tại Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia có ngành DLNN phát triển và được đánh giá cao. DLNN là một loại hình du lịch được coi là thương hiệu của Nhật Bản, với sự phát triển của nền nông nghiệp sạch. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài có thể tìm hiểu về DLNN thông qua “Sách trắng du lịch”. Ngoài việc phát triển các ngành công nghiệp khác, Nhật Bản cũng rất coi trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao và sáng tạo khai thác sản phẩm nông nghiệp để phát triển du lịch.
Vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người nông dân vùng Yufuin đã nhận thấy cần thiết phải có sự thay đổi trong phát triển kinh tế địa phương. Họ đã xác định các yếu tố để xây dựng tuyến điểm và loại hình du lịch của Yufuin là sự kết hợp của 3 yếu tố là sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng. Nếu chỉ khai thác riêng rẽ thì không thể cạnh tranh với các vùng lân cận. Để kết hợp các yếu tố kể trên, một quy hoạch phát triển, quy chế quản lý – phát triển tuyến điểm và loại hình du lịch địa phương đã được xây dựng. Hội đồng quản lý du lịch địa phương được thành lập. Hội đồng này thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Yufuin cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến. Các sản phẩm do người dân địa phương tự sản xuất sẽ được gắn logo thể hiện thương hiệu của khu vực. Trong làng sẽ sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sản xuất tại chỗ, hạn chế tối đa việc mang từ nơi khác đến.
Về văn hoá ẩm thực, người địa phương khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của Yufuin và sáng tạo ra các món ăn mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch (Phương Anh, 2018). Năm 1995, Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản đã thiết lập chương trình nhà nghỉ nông thôn với phạm vi hoạt động trên cả nước. Các nhà nghỉ nông thôn này chủ yếu do các nông hộ hay trang trại cá thể đứng ra tổ chức và điều hành. Du khách được phục vụ các dịch vụ ăn nghỉ tại nhà nghỉ nông thôn hoặc tham gia vào các hoạt động hằng ngày ở đây như việc trồng trọt, gặt hái hay câu cá… Chương trình này đã góp phần làm hồi sinh vùng nông thôn của Nhật Bản vốn được xem là già cỗi và trì trệ từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai (Bùi Thị Lan Hương, 2019).
4.2.3. Mô hình DLNN tại Thái Lan
Từ năm 2016, tổng cục Du lịch Thái Lan đã đẩy mạnh phát triển DLNN. DLNN không chỉ giúp nông nghiệp Thái Lan phát triển bền vững mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhiều điểm du lịch quá tải.
Thái Lan thường phát triển DLNN ở lân cận thủ đô nên thuận tiện cho khách đi lại. Khách DLNN thường đến với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trải nghiệm cuộc sống vùng quê ở Mahasawat với các vườn quả mênh mông. Điểm DLNN Chiang Mai lại nổi tiếng với việc hình thành một thành phố hữu cơ. Các dự án DLNN Thái Lan đều hướng tới thu hút mọi loại khách kể cả khách trong nước và nước ngoài. Thái Lan rất chú trọng làm DLNN với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thân thiện với môi trường (Sài Gòn Start Travel, 2022).
4.2.4. Mô hình DLNN tại Israel
Israel là quốc gia có diện tích nhỏ với hơn một nửa là hoang mạc và bán hoang mạc, nửa còn lại là rừng và đồi dốc. Điều kiện tự nhiên của Israel vô cùng khắc nghiệt với chỉ 1% diện tích là có nước nhưng lại là cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới. Cách làm DLNN là thu hút khách bằng các điều mới lạ trong ứng dụng công nghệ cao để xử lý nước. Israel có hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất thế giới với tỷ lệ tái chế lên tới 75%. Khách du lịch được thấy cách làm nông nghiệp trong điều kiện khô cằn, chăn nuôi cá bằng nước đã dùng 2 lần, đàn bò “có giáo dục” (Trần Thị Lan, 2019). Khách DLNN chiếm tới 40-50% lượng khách toàn quốc của Israel. Điều đặc biệt là ở Israel thì DLNN là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em (Văn Việt, 2020).
4.2.5. Mô hình DLNN tại Trung Quốc
Trung Quốc có quy mô tổ chức DLNN lớn nhất thế giới. Từ năm 2006, Trung Quốc đã tổ chức năm du lịch quốc tế về DLNN với khẩu hiệu “Chống đói nghèo bằng con đường phát triên DLNN”. Mỗi địa phương có những cách làm sáng tạo khác nhau. Từ năm 2007 tỉnh Quảng Tây đã xây hơn 15 tuyến DLNN đặc sắc với hơn 250 vườn du lịch sinh thái nông nghiệp. Với tỉnh Giang Tây lại có ngôi làng nổi tiếng nhất về DLNN và được đặt tên là “ngôi làng tuổi thơ”. Tại đây ngoài một số nhà dành cho người dân ở thì các nhà dành cho khách du lịch đều được sơn bằng các nhân vật hoạt hình quen thuộc như Doraemon, Pikachu, Bạch Tuyết (Văn Việt, 2020). Năm 2010, tỉnh Hải Nam đã xây dựng 133 khu vườn DLNN (Thu Hòa, 2019).
4.2.5. Mô hình DLNN ở Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, có rất nhiều mô hình DLNN được phát triển và thu hút du khách. Một số mô hình nổi tiếng có thể kể đến:
– Hull-O, Durham, New York: Đây là một trang trại dành cho các gia đình, với những hoạt động như cho bò và dê con uống sữa, thu nhặt trứng gà, vịt mới đẻ, chơi với chó con, gà con… Du khách cũng có thể tìm được những giây phút thoải mái tại trang trại đã có hơn 200 năm tuổi này và thưởng thức những bữa ăn ngon miệng với các nguyên liệu đều được thu hoạch từ chính trang trại.
– Farm Sanctuary, Watkins Glen, New York: Đây là một trang trại dành cho những người yêu động vật, với hơn 500 gia súc được cứu sống trong nhiều trường hợp bị lạm dụng hoặc bỏ mặc. Du khách có thể thăm quan trang trại, góp tiền hoặc đóng góp công sức chăm sóc cho những con vật nuôi ở đây. Trang trại cũng có các cabin với giường đôi và đầy đủ đồ đạc cho khách muốn ở lại.
– Pagett, Palermo, Maine: Đây là một trang trại dành cho những người yêu thích thiên nhiên, với việc cam kết bảo vệ môi trường và cuộc sống bền vững. Du khách có thể cắm trại ở một nơi hoang dã tại Maine, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp như cho gà ăn hoặc hái quả việt quất dại. Những chiếc lều đều được trang bị các loại giường to, chăn và lò sưởi, nước máy và nhà vệ sinh.
4.3. Mô hình DLNN của một số địa phương trong nước
4.3.1. Mô hình DLNN ở Cần Thơ
DLNN ở Cần Thơ trong những năm vừa qua có bước phát triển khá mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng kể, nổi bật nhất là loại hình du lịch miệt vườn. Trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều điểm du lịch miệt vườn đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Một số nhà vườn cung cấp dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay. Điển hình là tại các địa điểm ở huyện Phong Điền, quận Cái Răng, quận Bình Thủy và quận Thốt Nốt. Du khách được tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm làm vườn, làm ruộng, trồng rau, giăng lưới, tát mương bắt cá, thưởng thức bánh dân gian, đạp xe khám phá làng quê, cuộc sống người dân sông nước miệt vườn…
Huyện Phong Điền là địa bàn phát triển du lịch miệt vườn sớm nhất ở TP Cần Thơ. Ở đây hiện có 10 điểm vườn làm du lịch, trong đó 6 cơ sở có dịch vụ lưu trú homestay. Làng du lịch Mỹ Khánh được coi là điểm du lịch miệt vườn sớm và thành công nhất ở huyện Phong Điền. Điểm du lịch này đã trở thành một trong những điểm tham quan du lịch tiêu biểu của Cần Thơ và ĐBSCL với quy mô trên 20 ha, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng như: tham quan vườn cây trái, hoa cảnh; thưởng thức trái cây và nhiều hoạt động vui chơi giải trí dân gian như đua heo, đua chó, câu cá, v.v… Trong đó, hai mô hình được du khách ưa chuộng là: “Một ngày làm điền chủ”, và “Một ngày làm nông dân”. Du khách trong nước thì thích làm điền chủ có kẻ hầu người hạ, còn du khách nước ngoài thích làm nông dân để được làm vườn, hái rau quả, tát mương bắt cá.
Ở Vườn trái cây Vàm Xáng, du khách được trải nghiệm hoạt động bán hàng nông sản tại chợ nổi Phong Điền với chương trình “Một ngày làm thương hồ”. Tại chợ nổi, du khách được hướng dẫn để hòa mình vào không khí mua bán của người dân, trải nghiệm cảm giác thương hồ thực sự. Mua bán tại chợ nổi xong, du khách đi tham quan chợ quê trên bờ kết hợp mua đồ về chuẩn bị bữa cơm trưa cùng gia chủ.
4.3.2. Mô hình DLNN ở ấp đảo Thiềng Liềng, TP. Hồ Chí Minh
Ấp Thiềng Liềng là ấp đảo nằm cách Trung tâm xã Đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7km với diện tích đảo Thiềng Liềng rộng khoảng 13.000 ha, chủ yếu là rừng ngập mặn. Đây là Ấp đảo nhỏ còn hoang sơ, mộc mạc với hệ thống rừng ngập mặn bao phủ, nơi gần cửa biển giao thương đường biển và những cánh đồng muối… Trên đảo có khoảng 221 hộ dân với hơn 10.000 người dân sinh sống trên ấp đảo. Giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, ngành nghề chủ yếu của người dân trên đảo là sản xuất muối, còn lại buôn bán nhỏ, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, bắt cua, ốc…
Hiện nay, người dân tại Ấp đảo đều tham gia làm du lịch vì thế tất cả ẩm thực, thức uống trong tour đều mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển do chính người dân bản địa tự tay làm, nấu, chế biến với cách làm thủ công, nguyên liệu có sẵn trong vườn rất tự nhiên.
Du khách đến Thiềng Liềng sẽ được trải nghiệm tại 16 điểm đến trên ấp đảo từ nghề muối, đánh bắt hải sản, cho đến không gian hoài niệm, nghỉ dưỡng tại các homestay, giao lưu văn nghệ và nghe đờn ca tài tử… Tuy mới đi vào hoạt động nhưng khu DLNN này đã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham gia các hoạt động trải nghiệm.
4.3.3. Mô hình DLNN tại tỉnh Đồng Tháp
Trước đây, tại Đồng Tháp các loại hình du lịch chưa phát triển nên rất khó giữ được khách ở lại. Các năm gần đây Đồng Tháp tập trung phát triển các mô hình DLNN cộng đồng lấy nông nghiệp sach, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm nền tảng, văn hóa địa phương làm cơ sở. Đồng Tháp làm DLNN bằng cách kết hợp tham quan trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị văn hóa và gia tăng chuỗi giá trị nông sản, tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Các điểm DLNN như cánh đồng sen, vườn cam, quýt, làng du lịch, làng hoa Sa Đéc, làng bột Tân Phú Đông. Để hỗ trợ xây dựng các mô hình thì Sở văn hóa, thể thao và du lịch đã điều tra, khảo sát hoạt động phát triển DLNN tại các địa phương từ đó khuyến nghị các mô hình phát triển DLNN phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng (Tâm Minh, 2019).
4.3.4. Mô hình DLNN tại tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là địa phương nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… Ngoài ra, nơi này còn có nhiều sản vật tự nhiên độc đáo như: quýt Trà Lĩnh, hạt dẻ Trùng Khánh, lê vàng Đông Khê… Đây chính là những lợi thế để phát triển loại hình DLNN kết hợp khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Những năm gần đây, có nhiều đơn vị, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình DLNN, thu hút nhiều du khách.
Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) – nơi 100% người dân tộc Lô Lô sinh sống là một trong những điểm du lịch cộng đồng yêu thích của du khách quốc tế khi đến Cao Bằng. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các công việc nhà nông, như: chăn trâu, gặt lúa, lùa vịt… Với lượng khách đều đặn mang về cho các gia đình làm dịch vụ homestay tại đây khoản thu nhập đáng kể.
Điểm du lịch cộng đồng Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa), hoạt động thu hút du khách trải nghiệm là bắt cá ruộng, bẻ ngô, cắt lúa… theo mùa vụ và đời sống sinh hoạt, lao động hằng ngày của người dân trong bản.
4.3.5. DLNN tỉnh Quảng Ninh
Với sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, nhiều nơi ở Quảng Ninh đã phát triển các mô hình du lịch trang trại độc đáo như: tham quan, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, ẩm thực của người dân địa phương, thử sức với công việc nông dân… Những mô hình này đã tạo nên những điểm đến, sản phẩm DLNN mới mẻ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Mô hình Vườn hoa Cao Sơn là một điểm du lịch ở thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, do Hợp tác xã hoa Bình Liêu quản lý. Nơi đây, khách du lịch có thể sống trong không gian yên bình, thân thiện của người dân địa phương, ngắm cảnh thiên nhiên và nhiều loại hoa khác nhau. Khách tham quan được tìm hiểu về trồng hoa, trải nghiệm hái dâu tây, cắt hoa lan Vũ nữ, hoa đồng tiền; hóa thân thành cô gái dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ và chụp hình với những điểm thú vị như cầu tình yêu, cầu tre, vòng xoay. Hợp tác xã cũng có farmstay nhỏ để phục vụ du khách ăn nghỉ.
4.3.6. DLNN ở Hà Nội
Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) là một mô hình DLNN tiên phong tại vùng núi Ba Vì. Trang trại tổ chức các tour DLNN, bảo tồn văn hóa dân tộc Kinh, Mường, Dao; giới thiệu không gian nông nghiệp truyền thống và các sản vật thiên nhiên.
Trang trại cũng hợp tác với cộng đồng nông dân của các làng nghề xung quanh, nghiên cứu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng. Trang trại đào tạo nhân viên từ con em địa phương, liên kết nông hộ, kết nối thị trường du khách với các sản phẩm đặc sản của vùng, như: Thảo dược, sữa, chè, rau sạch… (Ngô Kiều Oanh, 2022).
5. Khuyến nghị, đề xuất về việc phát triển DLNN với tỉnh Hà Giang
Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển DLNN. Trong những năm qua, trên địa bàn Hà Giang đã hình thành và phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch trải nghiệm, khám phá tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn du khách đến đây chỉ mới dừng lại ở mức độ lưu trú, tham quan cảnh quan thiên nhiên mà chưa có nhiều trải nghiệm với đời sống nông nghiệp địa phương.
Hà Giang đã nhận ra tiềm năng và hạn chế của phát triển DLNN nên ngày 2 tháng 8 năm 2021, Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển Du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 trong đó có nội dung: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; Khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng.
Nhằm thưc hiện Nghị quyết thì có rất nhiều nội dung trong đó có việc tìm ra cách xây dựng một số mô hình DLNN phù hợp để nhân rộng. Chủ trương của Hà Giang là một mặt cần nghiên cứu kỹ tại các nơi dự kiến làm mô hình và mặt khác phải tìm hiểu thông tin, cách làm của nơi khác.
Xuất phát từ lý do trên, trên cơ sở phát huy điểm mạnh, cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức; các khuyến nghị, đề xuất cho phát triển DLNN tỉnh Hà Giang như sau:
Quy hoạch, chính sách quản lý DLNN: Các cơ quan nhà nước cần rà soát, bổ sung và đề xuất quy hoạch các điểm, khu DLNN phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch tỉnh cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh tránh tình trạng trùng lặp mô hình giữa các địa phương. Quy hoạch chú trọng vào các khu vực có thế mạnh phát triển du lịch đồng thời có khả năng liên kết cao trong phát triển tour, tuyến với các loại hình du lịch đang khai thác để góp phần đa dạng sản phẩm cũng như kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến với Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì.
Mặt khác mô hình DLNN phải đảm bảo nguyên tắc DLNN gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương. Cách làm DLNN đúng nghĩa là mô hình đó phải có sự tham gia của người dân địa phương đặc biệt là nông dân, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, bảo vệ đất nông nghiệp và văn hoá nông thôn góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn. Cụ thể có thể xây dựng mô hình DLNN điển hình ở các khu vực địa hình với địa bàn có nhiều đặc trưng như Nậm Đăm, Phó Bảng, Thông Nguyên…
DLNN cần có sự hợp tác liên kết giữa nhiều bên thông qua cam kết, hợp đồng và chịu trách nhiệm. Để liên kết bền vững thì phải có quy chế quản lý và phân chia lợi ích công bằng. Với đặc thù địa lý của Hà Giang, mô hình DLNN chủ yếu ở quy mô hộ nhỏ thì liên kết là tất yếu để có sản phẩm đa dạng theo yêu cầu của thị trường. Thực tế hiện nay đã hình thành một số mô hình liên kết như ở làng du lịch cộng đồng Nậm Hồng (Hoàng Su Phì), Nậm Đăm (Quản Bạ).
Việc hoàn thiện các quy hoạch điểm đến sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư, ban hành cơ chế chính sách, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ DLNN.
Thu hút vốn đầu tư: Vốn đầu tư được ưu tiên cho các lĩnh vực về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như cơ sở dịch vụ DLNN, nông thôn. DLNN tuy có thể không đòi hỏi sự tiện nghi trong lưu trú, cơ sở dịch vụ vui chơi nhưng có nhiều rủi ro từ thiên tai do dựa vào hoạt động nông nghiệp; đối tượng sở hữu mô hình DLNN thường hạn chế về nguồn vốn. Do vậy, nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh DLNN cần được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước có vai trò quan trọng. Đồng thời, cơ chế cho vay vốn đối với các đơn vị khai thác DLNN cũng cần có ưu tiên về lãi suất, kỳ hạn.
X ây dựng sản phẩm: xây dựng các sản phẩm DLNN đặc trưng phải đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá và có sự khác biệt, đặc trưng cao so với các điểm đến đã có. Bởi vậy cần có các nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình khảo nghiệm thực tế sản phẩm DLNN ở Hà Giang một cách khoa học, đảm bảo tính thực tiễn cao. Sản phẩm phải phát huy được các điểm mạnh, lợi thế của nông nghiệp truyền thống của tỉnh miền núi để tạo ra câu chuyện sản phẩm hấp dẫn cho du khách.
Hà Giang cần hoàn thiện sản phẩm đã khai thác dựa trên những phương thức canh tác độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang, như: canh tác trên đá của đồng bào tại 4 huyện cao nguyên đá; canh tác trên các thửa ruộng bậc thang của đồng bào tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm dựa trên các nghề nông nghiệp như: trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông; trồng ngô để nấu rượu ngô men lá; sử dụng hạt của cây hoa Tam giác mạch để chế ra loại rượu đặc sản; Khai thác, tinh chế tinh dầu hoa hồng và các chế phẩm. Hay nuôi ong khai thác mật hoa cây Bạc hà trong tự nhiên; thu hái, chế biến bằng thủ công và thưởng thức chè Shan tuyết tại vùng cao phía Tây… Đó là những điểm khác biệt trong nông nghiệp chỉ có ở các huyện vùng cao tại Hà Giang.
Về phát triển nguồn nhân lực: DLNN cần khắc phục hạn chế lớn trong chất lượng nhân lực khi dịch vụ được cung cấp chính từ những người nông dân. Ưu thế của họ là có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về nông nghiệp và văn hóa bản địa, song hầu hết chưa được đào tạo về du lịch cũng như thiếu nhiều kỹ năng trong hoạt động dịch vụ. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ lao động này là nhu cầu cấp thiết trong phát triển DLNN. Tổ chức tập huấn ngắn hạn kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho các lao động phục vụ khách ở lĩnh vực du lịch này.
Xúc tiến, quảng bá: Cần nghiên cứu về đối tượng khách hàng đối với DLNN Hà Giang. Đa dạng các hình thức quảng bá kết hợp truyền thống với hiện đại, tích hợp chuyển đổi số và khai thác thế mạnh truyền thông của các mạng xã hội. Khuyến khích các mối liên kết doanh nghiệp với nông dân và chính quyền các địa phương để quảng bá nông sản cũng như điểm đến tham quan của địa phương thông qua các gian trưng bày sản phẩm OCCOP ở các khu, điểm du lịch; các khách sạn, nhà hàng.
6. Kết luận
Nghiên cứu trên đã tổng hợp và phân tích các mô hình DLNN của một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và một số tỉnh ở trong nước. Điểm chung của các mô hình này là khai thác được tính riêng, nét đặc trưng của địa phương. Vận dụng cả những điểm lợi và bất lợi để tăng sự cạnh tranh cho điểm đến
Từ cơ sở các lý luận, kinh nghiệm các nơi và thực tế của Hà Giang, nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị về cách xây dựng mô hình DLNN với Hà Giang là: mô hình DLNN phải có sự quản lý và hỗ trợ của nhà nước, phải đảm bảo nguyên tắc DLNN gắn với xây dựng nông thôn mới, phải xuất phát từ đặc trưng nông nghiệp của tỉnh miền núi kết hợp khoa học công nghệ hiện đại; có tính chuyên nghiệp, có sự hợp tác liên kết giữa nhiều bên, có sự kết hợp với hoạt động quảng bá, xúc tiến.
Tài liệu tham khảo
- Arahi, Y. 2008. Rural Tourism in Japan: The regeneration of rural communities.
- Bùi Thị Lan Hương (2019), Sự hình thành và quan niệm du lịch nông thôn ở một số quốc gia trên thế giới – Kinh nghiệm cho phát triển du lịch nông thôn Việt Nam. Tạp chí công thương. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/su-hinh-thanh-va-quan-niemdu-lich-nong-thon-o-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-kinh-nghiem-cho-phat-trien-dulich-nong-thon-viet-nam-65043.htm
- David Preece (2015), Agritourism: An American Perspective, APO Agritourism Conference Presentations – West Java Indonesia, July 28, 2015.
- Ngọc Mai. (2022). Vai trò của nông nghiệp với phát triển du lịch. https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/du-lich/vai-tro-cua-nong-nghiep-voi-phat-trien-du-lich.html
- Ngô Kiều Oanh. (2022). Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững, QĐND. https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/phat-trien-san-pham-du-lich-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-700427
- Minh, T. (2019). Dong Thap niu chan du khach bang du lich nong nghiep sach. VNExpress. https://video.vnexpress.net/tin-tuc/nhipsong/trong-sen-tren-dat-ruong-4067504.html.
- Saigon Star Travel. (2022). Du lich nông nghiệp Thái Lan mới lạ và độc đáo. Saigon Star. https://saigonstartravel.com/xem-tin/du-lichnong-nghiep-thai-lan-moi-la-va-doc-dao.
- Schilling, Marxen, Heinrich, Brooks. (2006).The Opportunity for Agritourism Development in New Jersey.
- Thu Hòa (2019) Phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam. Tạp chí con số và sự kiện, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; https://consosukien.vn/phat-trien-du-lich-nong-nghiep-tren-the-gioi-va-thuc-trang-o-viet-nam.htm
- Tiểu Thuý (2023). Mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng; Truy cập ngày 22/9/2023. https://kinhtedothi.vn/moi-dia-phuong-can-co-san-pham-du-lich-nong-thon-dac-trung.html
- Văn Việt.(2020). Du lịch nông nghiệp trên thế giới. https://nongnghiep.vn/du-lich-nong-nghiep-tren-the-gioi-d258082.html
Lê Tuấn – 10/2023
Bài này đã được đọc 11 lần!