Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Con người đã phản kháng và chiến thắng đại dịch như thế nào?

Trong tiểu thuyết “Dịch hạch” của Albert Camus, con người đã đấu tranh và dịch bệnh cuối cùng cũng kết thúc trong thành phố.
Dịch hạch được xuất bản năm 1947, là một trong những cuốn tiểu thuyết phi lý nổi tiếng nhất của Camus. Cuốn sách với nhiều tầng nghĩa ẩn dụ sâu sắc cho đến hôm nay vẫn mang đậm giá trị thời đại, tìm kiếm bản chất thật sự của con người trong quá trình hiện hữu.

Dịch hạch lấy bối cảnh chính là thành phố Oran, một thành phố biển xấu xí của Pháp nằm ở phía bắc Algerie, bắt đầu vào ngày 16/4 trong một năm của thập niên 1940. Ngày hôm ấy, bác sĩ Rieux từ trong phòng ra ngoài cầu thang thì đá phải xác một con chuột chết. Buổi chiều, trên đường về, ông lại nhìn thấy con chuột khác cũng đang giãy chết. Ban đầu mọi người tưởng đó là trò đùa hư của lũ trẻ, nhưng số chuột chết ngày càng nhiều, những bệnh nhân mắc bệnh bắt đầu được đưa vào bệnh viện. Khi con người kịp có ý thức thì bệnh dịch hạch đã tràn lan khắp thành phố.

Bản chất người trong sự tàn sát của dịch bệnh
Trước cảnh dịch bệnh đang tàn phá cả một thành phố, trong không gian bi đát, đen tối ấy, nổi lên một số nhân vật: Bác sĩ Bernard Rieux, Jean Tarrou, Raymond Rambert, Cha Paneloux, Joseph Grand, và Cottard. Họ là đại diện cho mỗi loại người trong xã hội, thể hiện thái độ khác nhau khi đối diện với dịch bệnh nguy hiểm. Họ có thể là những người sợ hãi, trốn tránh, nương nhờ vào tôn giáo, vào sự giải cứu của thánh thần, hay là những kẻ nhân dịch bệnh mà tìm cách chuộc lợi cho bản thân.

Camus đã khắc họa đầy đủ những gương mặt của thời đại, giữa cuộc truy sát của bệnh tật và cái chết, mọi vỏ bọc che đậy thường ngày đều được cởi bỏ. Ấy là lúc bản chất bộc lộ sáng rõ nhất.

Bức tranh thành phố Oran náo động, chen lấn nhau, tìm cách thoát khỏi thành phố vì dịch, hay những người ở lại dần trở nên lãnh cảm trước những cảnh đốt xác người chết, có thể làm người đọc sửng sốt, vì đến tận hôm nay, cảnh tượng ấy vẫn sống động như đang hiện diện trước mắt.

Trong không khí ấy, bác sĩ Rieux được xây dựng là nhân vật trung tâm, ngay từ đầu, ông không tham gia vào những trận tranh cãi, ông cố gắng làm tốt công việc duy nhất mà nghề nghiệp của ông yêu cầu, cứu người. Camus không tôn vinh ông, không biết ông trở thành một vị thánh đủ sức xoay chuyển tình thế, nhưng Camus đặt vào nhân vật của mình sự hy vọng mà ông đã luôn tạo dựng trong mỗi tác phẩm của mình.

Đi từ thất vọng, hư vô, phi lý, Albert Camus đã không xây dựng một nhân sinh quan có tính cách tàn phá hay tiêu cực mà trái lại đã đi tới chỗ ca ngợi tình yêu thương, coi đó là những điểm tựa quý giá của cuộc sống trần gian. Albert Camus đã trở về với triết lý nhân bản, lấy con người làm trọng tâm của mọi sự vật và hoạt động trần gian.

Phản kháng để tồn tại
Bernard Rieux chính là nhân vật biểu tượng, thể hiện cho triết lý lấy con người là trung tâm của Camus. Rieux nỗ lực hết sức mình, bằng nghề nghiệp của mình để đấu tranh với hoàn cảnh dịch bệnh. Trước những nỗ lực thực tế của Rieux, những người từng hoài nghi, từng tìm các cách thức khác lý tưởng hơn, đều dần đồng lòng cùng với Rieux để chống dịch, giúp đỡ những người bệnh. Ngay cả cha Paneloux, luôn mang trong mình một đức tin mạnh mẽ vào sự cứu giúp của Chúa, cũng gia nhập vào đội tình nguyện thành phố, phổ biến kiến thức cho người dân, đồng thời hỗ trợ phát hiện bệnh nhân kịp thời để chữa trị.

Với Camus, con người giữa trần gian này là thứ vô cùng tàn bạo nhưng cũng vô cùng yêu thương. Abert Camus từng tuyên bố: “Tôi có một lòng yêu người và vật rất mạnh và tôi yêu những kẻ sống hôm nay với tôi trên mảnh đất này”. Các nhân vật của Camus vì thế trong sự sa đọa, trong đau đớn ngộ nhận, hoang mang và phi lý, luôn luôn phản kháng. Phản kháng để tồn tại.

Nhà văn Albert Camus.

Trong tiểu thuyết Dịch hạch của Camus, con người đã đấu tranh và dịch bệnh cuối cùng đã kết thúc trong thành phố. Thế nhưng, quá trình phát triển của con người không dừng lại ở đó, và song hành cùng diễn tiến ấy chính là sự tồn tại của vi trùng, như lời bác sĩ Bernard Rieux đã nói trong đoạn cuối cuốn tiểu thuyết:

“Vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mùi xoa và các đống giấy mà…, và một ngày nào đó, để gây tai hoạ cho con người và dạy họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh”.

Đến hôm nay, khi loài người đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh, Dịch hạch vẫn mang đậm hơi thở thời đại. Vi trùng sẽ vẫn tồn tại, sẽ tỉnh giấc bất kỳ lúc nào, nhưng con người cũng chưa bao giờ đầu hàng, vẫn đang tiếp tục chiến đấu. Và kết quả của Dịch hạch không chỉ thể hiện niềm hy vọng, tin tưởng của tác giả đối với loài người, nó còn là hồi chuông đánh thức tính đấu tranh, dấn thân của con người.

theo Zing.vn

Bài này đã được đọc 1100 lần!