Bạn sẽ đọc khoảng: 25 phút

Bài viết hội thảo khoa học: “Xây dựng, quản trị, vận hành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế ở tỉnh Ninh Bình – Vấn đề và giải pháp”

Mở đầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành một xu hướng quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Đặc biệt, việc kết hợp “di sản hóa” với “thương mại hóa” và “doanh nghiệp hóa” các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên độc đáo, phong phú, đặc sắc của địa phương là một hướng đi đầy tiềm năng.

Các chính sách của Nhà nước cũng đã định hướng rõ ràng cho việc phát triển kinh tế dựa trên những giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Ninh Bình là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hũng vĩ, nên thơ của núi non, sông hồ và đặc biệt là hệ thống các hang động lung linh, huyền ảo. Chủ trương của Ninh Bình là phát triển kinh tế dựa trên các giá trị văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện, an toàn. Chủ trương đó cũng theo đúng những định hướng mà Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh sự giàu có về di sản lịch sử, Ninh Bình còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ với quần thể danh thắng Tràng An – một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới độc đáo. Hệ thống hang động kỳ ảo, núi non hùng vĩ cùng những cánh đồng lúa xanh mướt đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Ninh Bình còn là kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá. Hàng trăm lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên độc đáo, Ninh Bình không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Việc khai thác và bảo tồn những giá trị này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giúp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài viết này mong muốn đề cập tới mô hình kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo lấy nguồn lực chính là những giá trị văn hóa và/hoặc di sản của một cộng đồng. Từ việc kết hợp “di sản hoá” và “thương mại hoá”, “doanh nghiệp hoá” các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên độc đáo, phong phú, đặc sắc của địa phương, tham khảo những kinh nghiệm, bài học từ những dự án của một số nước trên thế giới và của các tỉnh, thành trong nước, hy vọng có thể mang tới một góc nhìn mới cho vấn đề này và tầm quan trọng của việc khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng văn hoá, di sản tại tỉnh Ninh Bình.

1. Khái niệm và ý nghĩa

Khởi nghiệp sáng tạo là mô hình khởi nghiệp dựa trên việc kết nối nguồn lực, kiến thức và công nghệ từ nhiều bên khác nhau để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 là doanh nghiệp nhỏ và vừa “được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay start-up có thể được hiểu là một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, có hiệu quả kinh tế cao. Khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng không phải để chỉ một hình thức tổ chức pháp lý mới của doanh nghiệp, mà để chỉ một số doanh nghiệp theo tính chất và lĩnh vực hoạt động. Xét về hình thức tổ chức pháp lý, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân và chúng mang đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của các loại hình doanh nghiệp này.

“Di sản hoá” là việc lựa chọn một di tích – phế tích, di vật – phế vật, cảnh vật, kiến trúc vật chất, huyền tích nào đó gắn với danh nhân, địa danh,… xây dựng thành “hồ sơ di sản” với những “câu chuyện” chuyển tải giá trị cốt lõi cho hình thành một sản phẩm khác biệt phục vụ du lịch, có thể là sản phẩm trải nghiệm du lịch, sản phẩm ẩm thực hoặc sản phẩm quà lưu niệm du lịch. “Di sản hóa” tập trung vào giải mã thông tin “ẩn”, thông tin “chết” hoặc bị “đứt gãy” của di tích – phế tích, di vật – phế vật, cảnh vật, kiến trúc, danh nhân, địa danh… gắn với “thiêng hóa”, “số hóa” một cách sáng tạo theo tư duy hệ thống,… làm sống lại di sản bằng ý tưởng sáng tạo của con người, làm gia tăng giá trị và quảng bá thương hiệu di sản thông qua “thương mại hóa” và “doanh nghiệp hóa”.

Di sản hoá trong khởi nghiệp sáng tạo có thể hiểu theo hai khía cạnh. Một là di sản hoá những vật thể văn hoá hoặc phi vật thể để tạo nên giá trị cho sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Hai là di sản hoá chính các hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với các di sản văn hoá đã được công nhận để biến những di sản đó trở thành tài sản có khả năng thương mại; kết nối di sản với thực tế cuộc sống để làm cho những di sản đó “sống lại” trong thực tại và mang lại giá trị cho cộng đồng.

“Thương mại hóa” là việc biến những giá trị đã được “di sản hoá” này thành các sản phẩm, dịch vụ có thể kinh doanh, như du lịch văn hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương, v.v.

“Doanh nghiệp hoá” là quá trình xây dựng và phát triển các doanh nghiệp dựa trên các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đã được di sản hóa và thương mại hóa. Điều này bao gồm việc thành lập các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương, v.v. Các doanh nghiệp này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương.

Có thể thấy các yếu tố trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có tác động qua lại với nhau. Hoạt động khởi nghiệp góp phần tạo ra thu nhập từ việc di sản hoá, đồng thời là một công cụ hữu hiệu để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá di sản và văn hóa truyền thống. Bên cạnh những di sản lớn đã được ghi nhận, bảo vệ bởi nhà nước hay đã có những tập đoàn lớn tham gia đầu tư, khai thác thì vẫn còn rất nhiều những yếu tố văn hoá và di sản khác là “tài sản” chưa được khai thác. Những tài sản này sẽ trở nên thu hút hơn, được quan tâm hơn khi được nâng tầm và đóng vai trò là “nguồn vốn”, là tác nhân kích thích sự hình thành và tạo ra giá trị cho khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời tạo ra hệ sinh thái phát triển bền vững cho cả cộng đồng.

Hoạt động trình diễn với trang phục cổ trong Nón lá Festival

2. Khởi nghiệp sáng tạo với văn hoá, di sản là động lực và nguồn vốn kinh doanh

2.1. Động lực và nguồn vốn kinh doanh

Văn hóa không chỉ là nền tảng vững chắc mà còn là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa, khi các cộng đồng nhỏ bé cùng nhau kể những câu chuyện truyền cảm hứng, tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn bản sắc. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và kinh doanh đã trở thành “công thức” thành công cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Việt Nam, xu hướng khởi nghiệp dựa trên di sản văn hóa ngày càng nở rộ, tạo ra những làn sóng mới trong lĩnh vực sáng tạo. Việc di sản hoá không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh vô cùng hấp dẫn.

Kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa và di sản không phải là vấn đề mới và lợi ích thu được từ hoạt động kinh doanh này cũng không hề nhỏ. Doanh thu từ các lĩnh vực văn hóa sáng tạo chiếm 3% nền kinh tế toàn cầu, tạo ra 2,25 nghìn tỷ USD hằng năm và hỗ trợ 30 triệu việc làm trên toàn thế giới – nhiều hơn cả ngành công nghiệp ô tô của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại. Tuy nhiên, những đóng góp của văn hóa, di sản vẫn chưa thực sự được phản ánh một cách đúng đắn trong đời sống và hoạt động kinh doanh vì nguồn lợi thu được từ lĩnh vực này không đến một cách nhanh chóng như những ngành nghề khác.

Vì sao văn hóa và di sản lại có sức hấp dẫn đến vậy đối với kinh doanh? Đó là do:

Sự độc đáo và khác biệt: Mỗi nền văn hóa đều mang những nét đặc trưng riêng, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, thu hút sự tò mò và khám phá của du khách.

Những giá trị bền vững: Di sản văn hóa là những giá trị lâu đời, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Chúng mang trong mình những câu chuyện, những giá trị tinh thần sâu sắc, tạo ra sức hấp dẫn lâu dài.

Nhu cầu ngày càng tăng: Trong xu hướng toàn cầu hóa, du khách ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa đích thực, khám phá những nét đẹp độc đáo của từng vùng miền và mong muốn mình sẽ trở thành một phần trong câu chuyện của di sản.

Việt Nam với bề dày lịch sử, văn hóa nghìn năm, với văn hóa phong phú của cộng đồng 54 dân tộc, di sản văn hóa đang trở thành nguồn “vốn” quan trọng để nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khai thác, phát huy trong quá trình kinh doanh của mình. Vốn di sản vừa tạo ra bản sắc trong các sản phẩm văn hóa, đồng thời, lại có tác dụng ngược trở lại, giúp lan tỏa và nâng cao nhận thức về di sản của cộng đồng.

2.2. Xác định quy mô, mô hình của dự án khởi nghiệp

Quy mô của một dự án khởi nghiệp dựa trên di sản hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Loại hình di sản: Di sản vật thể (công trình kiến trúc, hiện vật) hay phi vật thể (nghệ thuật, lễ hội)? Quy mô sẽ khác nhau tùy thuộc vào tính chất của di sản và nguồn lực của những người khời nghiệp.

Nguồn lực khởi nghiệp bao gồm vốn, nhân lực, kiến thức chuyên môn, mối quan hệ thị trường. Như đã nói ở trên ngoài nguồn vốn kể trên thì di sản cũng chính là nguồn vốn để khởi sự.

Các nhà khởi nghiệp trên cơ sở di sản cũng cân phải xác định thị trường mục tiêu của mình là thị trường địa phương, quốc gia hay quốc tế? Điều này rất quan trọng trong việc xác định quy mô đầu tư, xây dựng câu chuyện sản phẩm và hoạt động tiếp thị, bán hàng.

Một vấn đề cần quan tâm nữa đó là dự án chỉ tập trung vào bảo tồn hay còn kết hợp với các hoạt động kinh doanh khác? Vấn đề này cần xác định rõ để phân định cụ thể sự đam mê, khát khao bảo tồn di sản với mục tiêu kinh doanh thực tiễn.

Dựa trên các yếu tố trên, có thể xây dựng một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ việc di sản hóa như sau:

Mô hình du lịch:

Du lịch văn hóa: Tổ chức các tour du lịch khám phá di sản, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Du lịch trải nghiệm: Cho phép du khách tham gia vào các hoạt động truyền thống, học hỏi kỹ năng sản xuất thủ công của người dân địa phương.

Du lịch nghỉ dưỡng: Xây dựng các khu nghỉ dưỡng kết hợp với trải nghiệm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Mô hình thương mại:

Sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Sản xuất các sản phẩm dựa trên họa tiết, hình ảnh của di sản.

Bán hàng lưu niệm: Bán các sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa.

Thương mại điện tử: Bán các sản phẩm liên quan đến di sản qua các kênh trực tuyến.

Mô hình giáo dục:

Tổ chức các lớp học, khóa đào tạo: Truyền dạy kiến thức về di sản, kỹ năng bảo tồn.

Xây dựng các trung tâm nghiên cứu: Nghiên cứu về di sản, phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển.

Mô hình kết hợp: Kết hợp du lịch và giáo dục. Tổ chức các tour du lịch kết hợp với các hoạt động học tập; Kết hợp thương mại và bảo tồn: Kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồng thời hỗ trợ cộng đồng bảo tồn di sản.

Việc xây dựng mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ việc di sản hóa là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kinh tế, văn hóa và xã hội tại địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Bằng cách xác định rõ quy mô, lựa chọn mô hình phù hợp và cân nhắc các yếu tố liên quan, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng và góp phần bảo tồn di sản văn hóa.

2.3. Ứng dụng công nghệ để phát huy thế mạnh và khai thác hiệu quả các tài nguyên văn hoá và thiên nhiên của địa phương

Việc ứng dụng công nghệ vào việc di sản hoá và phát triển các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của địa phương đang ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả.

Công nghệ có thể sử dụng để số hóa các di sản văn hóa như tài liệu, hiện vật, và các di tích lịch sử giúp bảo tồn và dễ dàng truy cập thông tin. Các bảo tàng ảo, ứng dụng di động và trang web tương tác có thể giúp người dân và du khách khám phá các giá trị văn hóa một cách sinh động và tiện lợi. Công nghệ có thể tạo ra các trải nghiệm du lịch ảo, giúp người dùng khám phá các địa điểm du lịch, di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên một cách chân thực mà không cần phải di chuyển. Điều này không chỉ thu hút du khách mà còn giúp quảng bá hình ảnh địa phương ra toàn cầu.

Các ứng dụng di động và trang web du lịch cung cấp thông tin chi tiết về các điểm đến, dịch vụ, sự kiện và hoạt động tại địa phương. Chúng cũng có thể tích hợp các chức năng đặt vé, đặt phòng, và hướng dẫn du lịch, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch và trải nghiệm chuyến đi.

Ứng dụng công nghệ blockchain có thể được sử dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và xác thực nguồn gốc của các sản phẩm văn hóa và thủ công mỹ nghệ. Điều này giúp ngăn chặn hàng giả, bảo vệ các nghệ nhân và nâng cao giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó cũng cần áp dụng phân tích dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về xu hướng du lịch, nhu cầu của du khách và hiệu quả của các chiến dịch quảng bá. Từ đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể đưa ra các quyết định chiến lược, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và nâng cao trải nghiệm của du khách. Ngoài ra nền tảng thương mại điện tử cũng cần được quan tâm. Điều này các doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, bán các sản phẩm văn hóa, thủ công mỹ nghệ và đặc sản địa phương trực tuyến. Điều này không chỉ tăng doanh thu mà còn quảng bá văn hóa địa phương ra toàn cầu.

3. Một số mô hình kinh doanh dựa trên văn hoá, di sản trên thế giới và Việt Nam.

3.1. Khai thác di sản vật thể Luỹ Hadrian tại Anh Quốc

Lũy Hadrian (Brampton -Vương quốc Anh), một kỳ quan kiến trúc quân sự của đế chế La Mã, không chỉ là một bức tường đá cổ kính mà còn là một bảo tàng sống động về lịch sử và văn hóa. Được xây dựng vào thế kỷ II sau Công nguyên dưới thời Hoàng đế Hadrian, công trình đồ sộ này từng là ranh giới phân chia giữa lãnh thổ thuộc đế chế La Mã và các dân tộc phía bắc. Ngày nay, Lũy Hadrian không chỉ là một di sản thế giới được UNESCO công nhận mà còn là một điểm đến thu hút đông đảo du khách.

Việc khai thác Lũy Hadrian không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn di tích mà còn hướng đến việc tạo ra những trải nghiệm sống động cho du khách. Hệ thống bảo tàng dọc theo Lũy Hadrian, được xây dựng trên nền các đồn quân sự cổ, tái hiện một cách sinh động cuộc sống của binh lính La Mã, từ những bữa ăn hàng ngày cho đến các nghi lễ tôn giáo. Mỗi bảo tàng như một câu chuyện nhỏ, kể về một khía cạnh khác nhau của lịch sử và văn hóa La Mã trên vùng đất này.

Ví dụ, tại đồn Housesteads, du khách có thể khám phá một phức hợp quân sự hoàn chỉnh với bệnh viện, nhà tắm, nhà vệ sinh, tái hiện cuộc sống hàng ngày của binh lính. Còn tại đồn Chesters, du khách như lạc vào một khu nghỉ dưỡng với các nhà tắm, bể bơi và phòng xông hơi, cho thấy người La Mã rất coi trọng việc thư giãn và giải trí.

Bên cạnh các bảo tàng, du khách còn có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm như hóa trang thành binh lính La Mã, tham gia các buổi đào tạo khảo cổ hoặc đơn giản là đi bộ dọc theo Lũy Hadrian để tận hưởng không gian yên bình và ngắm nhìn phong cảnh xung quanh.

Việc khai thác Lũy Hadrian không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa. Qua đó, Lũy Hadrian không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là một biểu tượng của sự giao thoa giữa các nền văn hóa.

3.2. Khai thác giá trị văn hoá phi vật thể – Vải Batik của Indonesia

Vải Batik của Indonesia, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, là kết tinh của sự khéo léo và trí tuệ của người dân xứ vạn đảo. Mỗi họa tiết trên tấm vải Batik đều mang một câu chuyện, một ý nghĩa sâu sắc, phản ánh đời sống tâm linh và xã hội của người Indonesia. Ngày nay, Batik không chỉ được sử dụng trong trang phục truyền thống mà còn được biến tấu thành nhiều sản phẩm thời trang hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế. Indonesia không phải là quốc gia duy nhất sở hữu kĩ thuật tạo ra vải batik, nhưng có lẽ họ là đất nước thành công nhất trong việc di sản hoá vải batik qua cách kể chuyện về vải batik, đưa tấm vải này lên tầm biểu tượng văn hóa dân tộc.

Mặc dù vẫn giữ kỹ thuật truyền thống, nhưng việc sản xuất vải batik đã có những bước phát triển để phù hợp với nhu cầu của thị trường, xu hướng thời trang thế giới. Sự ra đời của các hoa văn và màu sắc mới dựa trên sự sáng tạo tự do của người sản xuất là một ví dụ điển hình. Ví dụ như, trước đây, đen và nâu là hai gam màu chủ đạo trong việc sản xuất vải batik thì giờ đây các màu sắc tươi sáng như đỏ, xanh, vàng, tím đã trở nên phổ biến.

3.3. Nông trang Thanh Cảnh – Mô hình được di sản hoá ở Đài Loan (Trung Quốc)

Nông trang Thanh Cảnh ở Nam Đầu miền trung Đài Loan là một điểm phải đến của khách du lịch, đặc biệt là vào mùa xuân. Dựa theo lịch sử, có một thời gian dài đảo Đài Loan là thuộc địa của Hà Lan, nên khi xây dựng khu vực này những nhà quy hoạch đã định hướng kiến trúc xây dựng toàn bộ khu vực theo phong cách châu Âu thời kỳ phục hưng.

Nông trường Thanh Cảnh (Qingjing Farm) được thành lập năm 1961, nằm ở vị trí 1750 m so với mặt nước biển. Khu vực này được thiết kế theo phong cách châu Âu và được gọi với cái tên “Cõi bồng lai” (Cục Du lịch Đài Loan). Mặc dù là một khu vực mới được xây dựng nhưng qua cách tuyên truyền, quảng bá, du khách có cảm giác thị trấn này là một thị trấn cổ đã tồn tại ở đây từ rất lâu và những ngôi nhà kiểu châu Âu đó dần dần trở thành những di sản về kiến trúc đối khách du lịch. Khu vực nông trang với phong cách một nông trang lớn với trang trại ngựa, cừu, đồng cỏ…trở thành tâm điểm của cả khu vực. Hầu hết các điểm phục vụ khách du lịch, nhà dân ở đây đều có kiến trúc mang hơi hướng châu Âu tạo nên một thị trấn đặc biệt thu hút khách trong và ngoài Đài Loan đến tham quan.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các chủ thể đưa công nghệ kết hợp với các hoạt động du lịch, canh tác nông nghiệp truyền thống tạo nên một thương hiệu nông trang Thanh Cảnh nổi tiếng thế giới, thu hút được đông đảo khách nội địa cũng như quốc tế, tạo thu nhập cao cho cộng đồng địa phương. Với cách làm phù hợp, hiệu quả việc di sản hoá đã giúp Đài Loan bảo tồn được ngành nông nghiệp với các cảnh đẹp thiên nhiên và sự đa dạng sinh học và ngăn sự ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đô thị hóa với các vùng nông thôn.

3.4. Hồi sinh nghề cũ – dệt đũi ở Thái Bình, Việt Nam

Tết Nguyên đán năm 2024, làng dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, Thái Bình) có hoạt động mới, đó là đón khách du lịch về trải nghiệm Tết. Khách du lịch được tham quan trực tiếp các xưởng dệt đũi, giao lưu với các nghệ nhân, được chụp ảnh với tà áo dài lụa đũi truyền thống và được gói bánh chưng cùng các nghệ nhân, ăn những mâm cỗ quê đầy ấm áp…

Đây không chỉ là trải nghiệm mới với khách du lịch mà còn với chính làng dệt đũi Nam Cao, điều mà trước đây không ai hình dung được. Làng dệt đũi Nam Cao hình thành từ 400 năm trước, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa, sản phẩm cung cấp cho cung đình. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã làm suy thoái làng nghề, tưởng chừng đi đến hồi xoá sổ. Nhưng mọi sự đã thay đổi bởi mong muốn khởi nghiệp với nghề cổ của một phụ nữ, người mà trước đó không biết gì về tơ sợi và nghề dệt.

Sự hồi sinh làng nghề bắt nguồn từ chị Lương Thanh Hạnh, một người đang có công việc ổn định với thu nhập cao nhưng lại có ý tưởng khởi nghiệp với việc giữ nguyên hồn cổ xưa cho sản phẩm đũi, lụa Nam Cao. Mong muốn này của chị Hạnh khiến cho nhiều người bất ngờ trong đó có cả các nghệ nhân làng nghề. Chị phải vận động các nghệ nhân tham gia Hợp tác xã, vận động mọi người chung tay hồi sinh làng nghề. Hồi sinh những sản phẩm truyền thống không chỉ là sản phẩm mà là cả các công đoạn tạo ra sản phẩm. Chị Hạnh có quyết định táo bạo là Hợp tác xã không chỉ dệt lụa mà xây dựng cả chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ – xuất khẩu với 16 công đoạn. Từ trồng dâu nuôi tằm đến sản xuất ra sản phẩm hoàn thiện.

Mô hình này đã thành công vì chị Hạnh đã thực hiện thành công việc “di sản hoá” những thứ tưởng chừng cũ kỹ, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Làng nghề Nam Cao hiện nay thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, họ rất thích được tìm hiểu các công đoạn làm ra sản phẩm, chi tiết, cụ thể từng bước một như thể chính họ là những người tạo ra những sản phẩm đó.

3.5. Khởi nghiệp kinh doanh du lịch từ ngôi nhà cũ nát ở Hải Hậu, Nam Định

Ngôi nhà của cụ Nghị Hoàn ở Hải Hậu, Nam Định được xây dựng năm 1921. Thời kỳ này tại Nam Định rất nhiều những ngôi nhà mới được xây theo lối kiến trúc Pháp. Giai đoạn lịch sử có nhiều biến động và sự giao thoa văn hóa rõ rệt giữa phương Tây và phương Đông. Ở giai đoạn này Hải Hậu được biết đến là vùng có nhiều ngôi nhà Pháp cổ trong đó có 4 ngôi nhà vuông nhưng hiện tại chỉ còn sót lại nhà cụ Nghị. Trước kia ngôi nhà bề thế với cửa chính lớn đồ sộ và nhiều công trình phụ trợ. Do biến đổi của lịch sử, ngày nay ngôi nhà chỉ còn sót lại nhà chính với kiến trúc cũ và đã bị cắt bỏ đi phần mặt tiền kiến trúc cầu kỳ. Cảnh quan khuôn viên của ngôi nhà cũng đã thay đổi nhiều so với thời kỳ mới xây dựng và bị xuống cấp khá nhiều. Ngôi nhà này cũng không phải là di tích được xếp hạng nhưng thuộc chính quyền địa phương quản lý.

Ngôi nhà cũ kỹ này được phục dựng và bảo tồn lại từ tháng 08 năm 2023 cho đến tháng 06 năm 2024 dưới sự đầu tư và phục chế của Công ty cổ phần Huyền thoại Bắc Bộ. Công ty này là mô hình khởi nghiệp với việc khai thác các yếu tố văn hoá và di sản tại địa phương. Với đội ngũ thợ xây hành nghề có kinh nghiệm của xã Hải Trung toàn bộ mái nhà được phục dựng phần mộc, tường nhà được quét lại vôi ve, toàn bộ ngôi nhà được phục chế bảo vệ bởi lớp sơn mới, mái nhà, trần nhà tầng một và tầng hai được phục dựng lại đúng với kiến trúc cũ với những nét đẹp của kiến trúc Pháp cổ trên mảnh đất Quần Anh xưa.

Hiện nay ngôi nhà được gọi là Ngôi nhà di sản Quần Anh,  được chính quyền địa phương phê duyệt đưa vào dự án phát triển du lịch của huyện Hải Hậu. Ngôi nhà đã trở thành điểm đến du lịch Văn hóa – Ẩm thực – Trải nghiệm Giáo dục của tỉnh Nam Định, thu hút rất nhiều khách du lịch tới thăm quan, tìm hiểu cuộc sống văn hoá cư dân bản địa.

3.5. “Vốn” văn hoá trong sáng tạo của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang là một cô gái dân tộc Tày, khi theo đuổi nghề thiết kế, cô có nhiều thiệt thòi khi xuất thân từ một cô gái “tỉnh lẻ”, việc cập nhật các xu hướng thời trang có phần nào thua kém. Nhưng Thảo Giang đã khai thác vốn di sản văn hóa của dân tộc, gồm cả người Việt lẫn những nét văn hóa của người Tày vào việc thiết kế áo dài. Nhà thiết kế đã nhận ra rằng, khi người trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều. Mỗi bộ sưu tập áo dài của Thảo Giang lại kể một câu chuyện văn hóa khác nhau.

Những thiết kế của Thảo Giang không phải là sự sao chép máy móc những họa tiết, hoa văn, nét đẹp kiến trúc… từ nguồn vốn di sản sẵn có mà còn là từ những trải nghiệm thực tế, quá trình tìm hiểu nguồn gốc của di sản, trao đổi với các nhà nghiên cứu, nghệ nhân. Trên cơ sở đó, cô lựa chọn, chắt lọc những gì tinh tuý nhất, phù hợp nhất để đưa vào sản phẩm của mình.

3.6. Du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng, TP. Hồ Chí Minh

Ấp Thiềng Liềng là ấp đảo nằm cách Trung tâm xã Đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7km với diện tích đảo Thiềng Liềng rộng khoảng 13.000 ha, chủ yếu là rừng ngập mặn. Đây là Ấp đảo nhỏ còn hoang sơ, mộc mạc với hệ thống rừng ngập mặn bao phủ, nơi gần cửa biển giao thương đường biển và những cánh đồng muối… Trên đảo có khoảng 221 hộ dân với hơn 10.000 người dân sinh sống trên ấp đảo. Giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, ngành nghề chủ yếu của người dân trên đảo là sản xuất muối, còn lại buôn bán nhỏ, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, bắt cua, ốc…

Hiện nay, người dân tại Ấp đảo đều tham gia làm du lịch vì thế tất cả các hoạt động trong tour đều mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển do chính người dân bản địa tự tay làm, nấu, chế biến với cách làm thủ công, nguyên liệu có sẵn trong vườn rất tự nhiên như cuộc sống cư dân đã diễn ra cả trăm năm qua.

Du khách đến Thiềng Liềng sẽ được trải nghiệm tại 16 điểm đến trên ấp đảo từ nghề muối, đánh bắt hải sản, cho đến không gian hoài niệm, nghỉ dưỡng tại các homestay, giao lưu văn nghệ và nghe đờn ca tài tử… Tuy mới đi vào hoạt động nhưng điểm đến này đã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham gia các hoạt động trải nghiệm nét văn hoá truyền thống của làng nghề làm muối và trở thành điểm sáng của du lịch TP. Hồ Chí Minh.

Việc vận dụng các yếu tố văn hóa truyền thống vào kinh doanh còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa đơn vị kinh doanh với các điểm đến, các nghệ nhân làng nghề, cộng đồng làm nghề truyền thống…Những giá trị mang tính địa phương tạo nên khác biệt, tạo nên bản sắc riêng trong sản phẩm của doanh nghiêp. Di sản hóa và thương mại hoá di sản trong quá trình khởi nghiệp không chỉ giúp bảo tồn di sản, mà còn giúp lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến cộng đồng, đến bạn bè quốc tế.

4. Khó khăn khi khởi nghiệp với văn hoá và di sản

Khởi nghiệp từ giá trị văn hóa là một hành trình đầy cam go, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và lòng đam mê mãnh liệt. Khác với các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, khởi nghiệp từ văn hóa đòi hỏi phải đầu tư lớn vào nghiên cứu, bảo tồn và phát triển những giá trị tinh thần độc đáo của dân tộc. Quá trình này thường kéo dài và đối mặt với nhiều rủi ro, từ việc tìm kiếm thị trường, quản trị kinh doanh đến việc đối phó với những định kiến xã hội.

Tuy nhiên, những khó khăn ấy không thể làm lu mờ giá trị to lớn của việc khởi nghiệp từ văn hóa. Bằng cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, những người khởi nghiệp không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thành công của nhiều dự án khởi nghiệp từ văn hóa đã chứng minh rằng, việc đầu tư vào văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra một cộng đồng gắn kết.

Để thành công trên con đường này, người khởi nghiệp cần có một tầm nhìn rõ ràng, một chiến lược kinh doanh hiệu quả và đặc biệt là một tình yêu sâu sắc với văn hóa, di sản của dân tộc. Họ phải sẵn sàng đối mặt với những thách thức, vượt qua những định kiến và kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Bởi vì, khởi nghiệp từ văn hóa không chỉ là một công việc kinh doanh mà còn là một sứ mệnh cao cả, đó là gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc cho thế hệ mai sau

5. Khuyến nghị và đề xuất về khởi nghiệp sáng tạo dựa trên di sản hoá, thương mại hoá và doanh nghiệp hoá tại tỉnh Ninh Bình

Trong Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lựa chọn mô hình phát triển “xanh” dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột trong đó có du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản. Trong những năm qua, trên địa bàn Ninh Bình đã hình thành và phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch thắng cảnh, trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, phần lớn du khách đến đây chỉ mới dừng lại ở mức độ lưu trú, tham quan cảnh quan, di tích mà chưa có nhiều trải nghiệm với đời sống văn hoá địa phương.

Để thực hiện chủ trương, định hướng thì có rất nhiều nội dung trong đó có việc tìm ra cách xây dựng một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo với việc di sản hoá để hoàn thiện và rút ra bài học kinh nghiệm. Một mặt cần nghiên cứu kỹ tại các nơi dự kiến làm mô hình và mặt khác phải tìm hiểu thông tin, cách làm của các địa phương.

Xuất phát từ lý do trên, trên cơ sở phát huy điểm mạnh, cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức; các khuyến nghị, đề xuất cho khởi nghiệp sáng tạo với di sản hoá như sau:

Quy hoạch, chính sách quản lý: Các cơ quan nhà nước cần rà soát, bổ sung và đề xuất quy hoạch nội dung khởi nghiệp sáng tạo với văn hoá và di sản phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh tránh tình trạng trùng lặp mô hình giữa các địa phương. Quy hoạch chú trọng vào các khu vực có thế mạnh phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên yếu tố di sản hoá đồng thời có khả năng liên kết cao trong phát triển chuỗi liên kết để góp phần đa dạng sản phẩm. Cách khởi nghiệp sáng tạo với tài nguyên di sản văn hoá đúng nghĩa là mô hình đó phải có sự tham gia của người dân địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho cư dân, bảo vệ di sản văn hoá góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn.

Việc “di sản hoá” cần có sự hợp tác liên kết giữa nhiều bên thông qua cam kết, hợp đồng và chịu trách nhiệm. Để liên kết bền vững thì phải có quy chế quản lý và phân chia lợi ích công bằng. Liên kết trong khởi nghiệp là tất yếu để có sản phẩm, dịch vụ đa dạng theo yêu cầu của thị trường.

Thu hút vốn đầu tư: Khởi nghiệp với di sản, văn hoá tuy có thể không đòi hỏi số vốn quá lớn nhưng có nhiều rủi ro; đối tượng sở hữu mô hình thường hạn chế về nguồn vốn. Do vậy, nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp cần được huy động từ nhiều nguồn, trong đó việc hỗ trợ từ Nhà nước, các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ có vai trò quan trọng. Đồng thời, cơ chế cho vay vốn đối với các đơn vị khai thác văn hoá, di sản hoá cũng cần có ưu tiên về lãi suất, kỳ hạn.

Xây dựng sản phẩm: xây dựng các sản phẩm dựa trên việc di sản hoá phải đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá và có sự khác biệt, đặc trưng cao so với các sản phẩm đã có. Bởi vậy cần có các nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình khảo nghiệm thực tế tại Ninh Bình một cách khoa học, đảm bảo tính thực tiễn cao. Sản phẩm, dịch vụ phải phát huy được các điểm mạnh, lợi thế của địa phương để tạo ra câu chuyện sản phẩm hấp dẫn cho du khách.

Về phát triển nguồn nhân lực: cần khắc phục hạn chế lớn trong chất lượng nhân lực khi xây dựng những sản phẩm, dịch vụ được cung cấp chính từ những người địa phương. Ưu thế của họ là có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về văn hóa bản địa, song hầu hết chưa được đào tạo về kinh doanh cũng như thiếu nhiều kỹ năng trong hoạt động dịch vụ.

Xúc tiến, quảng bá: Cần nghiên cứu về đối tượng khách hàng các sản phẩm từ văn hoá. Đa dạng các hình thức quảng bá kết hợp truyền thống với hiện đại, tích hợp chuyển đổi số và khai thác thế mạnh truyền thông của các mạng xã hội. Khuyến khích các mối liên kết doanh nghiệp với người dân và chính quyền địa phương để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các mô hình khởi nghiệp sáng tạo.

6. Kết luận

Bài viết với nhiều giới hạn về nội dung đã cố gắng đưa ra một số vấn đề về khởi nghiệp sáng tạo với “di sản hoá” và “thương mại hoá” với “doanh nghiệp hoá” qua ví dụ về một số mô hình của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và một số địa phương  trong nước. Điểm chung của các mô hình này là khai thác được tính riêng, nét đặc trưng của văn hoá địa phương. Vận dụng cả những điểm lợi và bất lợi để tăng giá trị cho sản phẩm và dịch vụ của mình

Từ cơ sở các lý luận, kinh nghiệm các nơi và thực tế của Ninh Bình, bài viết đã đưa ra một số  khuyến  nghị  về  khởi nghiệp sáng tạo với văn hoá và di sản  với Ninh Bình là: mô hình cần phải có sự định hướng, quản lý và hỗ trợ của nhà nước,  phải xuất  phát từ đặc trưng đời sống cư dân địa phương kết hợp khoa học công nghệ hiện đại; có tính chuyên nghiệp, có sự hợp tác liên kết giữa nhiều bên, có sự kết hợp với hoạt động quảng bá, xúc tiến./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Diệu Anh. (2023). Chia sẻ hành trình khởi nghiệp bằng ‘vốn văn hóa dân tộc’. https://thanglong.chinhphu.vn/chia-se-hanh-trinh-khoi-nghiep-bang-von-van-hoa-dan-toc-103231123110652398.htm
  2. Diệp Anh. (2024). Giá trị văn hóa làm nên điều khác biệt để du lịch Ninh Bình ‘cất cánh’. https://baochinhphu.vn/gia-tri-van-hoa-lam-nen-dieu-khac-biet-de-du-lich-ninh-binh-cat-canh-102230429164144758.htm
  3. Hoài Nam – Xuân Huy. (2023). Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nguồn tài nguyên bản địa. Báo tin tức
  4. Hoàng Giang. (2022). Khát vọng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. https://baochinhphu.vn/khat-vong-khoi-nghiep-tu-tai-nguyen-ban-dia-10222061011545545.htm
  5. Hoàng Xuân. (2019) Phát triển du lịch di sản: Nhìn từ Ninh Bình. Báo Thanh Hoá
  6. Nguyễn Đặng Anh Minh – Nguyễn Đặng Tuấn Minh (2019). Khai thác văn hóa và di sản cho kinh doanh và khởi nghiệp: Câu chuyện từ Ấn Độ. https://www.kisstartup.com/vi/tin-tuc/khai-thac-van-hoa-va-di-san-cho-kinh-doanh-va-khoi-nghiep-cau-chuyen-tu-do
  7. Sở VHTT Ninh Bình. (2019). Di sản văn hóa và thiên nhiên Ninh Bình. https://vhtt.ninhbinh.gov.vn/vi/di-san-van-hoa/di-san-van-hoa-va-thien-nhien-ninh-binh-52.html
  8. Tuệ Phương. (2024). Khởi nghiệp từ vốn di sản. Báo Đại đoàn kết. https://daidoanket.vn/khoi-nghiep-tu-von-di-san-10273345.html

Bài này đã được đọc 39 lần!