Câu chuyện về những con người có hoàn cảnh, xuất phát điểm ở các thế hệ khác nhau, đang đuổi theo những ước mơ, hoài bão riêng. Nhưng ở họ lại cùng toát lên sự kiên định của ý chí mạnh mẽ, của khát khao được khẳng định và cống hiến đáng ngưỡng mộ.
Rạng danh tài trí Việt năm châu ghi lại chân thật câu chuyện chinh phục thử thách ở biển lớn năm châu của 21 gương mặt Việt.
Chuẩn bị hành trang, bao nhiêu là đủ?
“Mình biết nhiều bạn sinh viên tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm con đường du học cho riêng mình. Nếu các bạn có ý định đi theo con đường giống mình từng đi các bạn nên chú ý vài điểm sau: Thứ nhất, các bạn cần dành thời gian để học tiếng Anh, tham gia các chương trình thực tập tại các công ty sử dụng tiếng Anh, tham gia các dự án quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài, …; Thứ hai, tìm và liên hệ với các giáo sư đang làm trong ngành mình muốn học, tìm càng nhiều chỗ, nộp đơn nhiều chỗ mà phù hợp với kiến thức nền và sở trường của các bạn thì cơ hội được nhận càng cao.” – Đấy là những gì anh Vũ Ngọc Tâm, vị giáo sư 8X với 15 bằng sáng chế tại Mỹ chia sẻ về hành trang các bạn trẻ cần chuẩn bị nếu muốn bước ra thế giới.
Không ít bạn trẻ lớn lên trong vòng tay bao bọc của bố mẹ cho rằng ở Việt Nam… khó sống, bởi sự khắt khe của gia đình hay những bài học “khó nhằn” nơi giảng đường. Một số khác lại không ngừng nỗ lực, ôm giấc mơ về những miền đất hứa, về biển lớn thế giới với cuộc sống tự do và vô vàn trải nghiệm mới. Để rồi, lớn thêm một chút, chính các bạn lại nhận ra, sống ở trời Tây, thật chẳng hề dễ dàng.
Nơi xứ người, đâu chỉ đơn giản là sự va vấp, bập bẹ về ngôn ngữ hay văn hóa, mà còn là nỗi lo của cuộc sống tự lập, về áp lực sắp xếp và cân bằng thời gian, là các khoản sinh hoạt phí đắt đỏ và những cố gắng không ngừng để bắt nhịp với sự vận chuyển không ngừng của thế giới và con người xung quanh.
Như Vũ Nam Phương, cô nàng 9X được biết đến với danh hiệu Hoa khôi du học sinh Việt toàn thế giới năm 2015 chia sẻ: “Lúc mới qua Mỹ so với bây giờ, em khác nhiều lắm. Học lái xe, làm quen với môi trường, bạn mới, bắt kịp với chương trình học, và quan trọng nhất là hoạch định phương hướng cho tương lai… Lúc đó, em áp lực vô cùng, vì không biết bản thân có làm được hay không”.
Hay như Nguyễn Ngọc Mỹ trong câu chuyện về hành trình nâng tâm du lịch Việt chia sẻ: “Thời gian đầu sang Mỹ, đối mặt với cái lạnh âm 20, 30 độ C, sách vở cũng nhiều mà hàng ngày đều phải mang về để đọc và tra từ, cộng thêm quần áo thể thao, nên suốt một thời gian dài mình kéo vali trên đường phủ tuyết đi bộ tới trường….Với mình, trong lúc không có người thân bên cạnh, cách nhanh chóng nhất để thích nghi là hoà nhập – hoà nhập với môi trường, bạn bè, trường lớp, dần dần tìm cho mình chỗ đứng và những hoạt động để tham gia.”
Va vấp khó khăn không phải để làm ta trở nên yếu đuối hay từ bỏ, mà để bản thân có sự chuẩn bị hành trang đầy đủ nhất, tâm lý vững vàng nhất để đón nhận tất cả thử thách nơi đầu sóng ngọn gió, của cuộc sống ở xứ người.
Rạng danh tinh hoa trí tuệ Việt trên “đấu trường” thế giới
Hành trình từ nhiều tỉnh thành Việt Nam bước ra thế giới của mỗi người là một câu chuyện khác biệt. Với cái nhìn chân thực, cảm hứng đầy tươi mới, giọng văn gần gũi, “Rạng danh tài trí Việt năm châu” ghi lại một cách cẩn thận và súc tích 21 hành trình chinh phục thử thách ở biển lớn năm châu của 21 gương mặt Việt.
Đó là những con người thuộc nhiều thế hệ khác nhau từ 5X-9X; sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Australia, Singapore, Đức, Việt Nam…. Họ là chủ nhân của hàng loạt dấu ấn, cống hiến, phát minh xuất sắc thuộc nhiều lĩnh vực: nghiên cứu, khởi nghiệp, kinh doanh, công nghệ, giáo dục… được cộng đồng, tổ chức nước sở tại vinh danh.
Lật mở gần 300 trang sách, độc giả như được bước qua một hành trình xuyên suốt với 3 chặng thử thách lớn: học tập – nghiên cứu – khởi nghiệp. Cuốn sách tập hợp đầy đủ và chân thực về bài học kinh nghiệm xương máu, lời khuyên cụ thể từ những nhân vật thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là màn lội ngược dòng ngoạn mục của bạn sinh viên từng nhiều lần thất bại, nay đã ghi danh vào thành tích ấn tượng ở các trường đại học hàng đầu thế giới; là bằng sáng chế danh dự được cả thế giới công nhận của các vị giáo sư/ tiến sĩ trẻ tuổi, hay những doanh nhân tài năng với sản phẩm công nghệ có sức hút vài chục triệu đô…
Để từ đó, “Rạng danh tài trí Việt năm châu” thực sự là “cuốn sách đặc biệt hữu ích cho các bạn trẻ đang nuôi dưỡng ước mơ du học và các bậc phụ huynh muốn con mình thành công nơi xứ người” như Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú – Đại học California Irvine (UC Irvine), cựu Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá.
Hoa hồng – nở rộ ở vạch đích, nào nằm trên đường đi..
Còn nhớ về cậu bạn Trần Mạnh Chánh Quân, chân không đi được, tay bất lực, miệng nói không rõ chữ, một mình với chiếc xe lăn. Bằng sự mạnh mẽ và trí tuệ, chàng trai Vũng Tàu ngày nào nay đã khiến người đối diện tin rằng bại não chỉ làm khó chàng trai trẻ nhưng mãi mãi không khuất phục được cậu. Và thành quả ngọt ngào cậu nhận được chính vào năm 2017, Quân vinh dự được trường Đại học Georgia Gwinnett, bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu “Unsung hero” (Người hùng thầm lặng) và hai bằng Đại học về Công nghệ thông tin và Toán.
Hay anh chàng Phạm Thành Thái – Tiến sĩ Stanford được Amazon nhận vào làm chỉ trong 5 phút phỏng vấn, vẫn đang cố gắng mỗi ngày cho những ước mơ và khát vọng phía trước, luôn tự nhắc nhở mình mỗi ngày với câu nói của ông Phil Knight: “Lần duy nhất bạn không được phép thất bại là lần cuối cùng bạn cố gắng”.
Họ là hai trong số nhiều gương mặt trẻ Việt vẫn đang hằng ngày nỗ lực không ngừng, mang đến những nghiên cứu, phát minh có giá trị cho nhân loại. Tất cả đều chọn đi con đường riêng, vươn tới ước mơ của bản thân, để rồi thành danh trong lĩnh vực mình đam mê, xuất sắc đạt đỉnh cao trong học tập, khởi nghiệp hay lập nghiệp ở tầm thế giới.
Bí quyết thành công của họ là gì? Phải chăng vì họ sinh ra đã “sẵn ở vạch đích” với nền tảng khởi đầu đáng mơ ước? Câu chuyện hiện thực giấc mơ của họ như thế nào? Có điểm gì chung thú vị giữa những gương mặt Việt tỏa sáng ở năm châu? Câu trả lời sẽ được “Rạng danh tài trí Việt năm châu” khơi mở.
Bài này đã được đọc 877 lần!