Tôi đã nhấn nút dừng và thay đổi đời mình như thế nào?
Ngày hôm đó, tôi ngồi giữa phòng khách ấm cúng trong một căn nhà tranh thế kỷ 18, mắt nhìn đăm đăm vào bếp củi đang cháy lách tách.
Sau mười năm lăn lộn trong lĩnh vực tư vấn quản lý ở London, cuối cùng tôi cũng dành ra được một chút thời gian để tạm dừng, quan sát và đánh giá lại cuộc sống của mình.
Và tôi không thích những gì mình nhìn thấy. Mặc dù nói chung là tôi yêu thích công việc của mình, nhưng đó là một công việc căng thẳng và tiêu tốn nhiều thời gian. Tôi những tưởng công việc này giúp tôi phát triển, nhưng kỳ thực, nó đang dần hủy hoại sức khỏe của tôi và tôi có rất ít hoạt động bên ngoài công việc.
Tôi đã thuê một căn nhà tranh bằng đá vào cuối tuần để ngồi đánh giá lại tình hình. Nơi này không có wifi còn sóng điện thoại thì chập chờn, đem lại cho tôi một khoảng thời gian trống dễ chịu trong cuộc sống. Tôi chỉ mang theo vài cuốn sách, mấy cây bút màu và một xấp giấy trắng.
Tôi đã ở đó để suy xét xem điều gì thật sự quan trọng với bản thân và làm cách nào có thể tạo dựng một cuộc sống nuôi dưỡng và hỗ trợ con người mình.
Tác giả: Ellen M.Bard
Dịch giả: Khanh Trần
Nhà xuất bản: NXB Công Thương
Công ty phát hành: Thái Hà
Dịp cuối tuần đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã dùng quãng thời gian này để viết nhật ký, đi bộ, ngồi trên một khúc gỗ vững chãi dưới tán cây xanh rực rỡ trong lúc mưa rơi quanh mình. Tôi không đặt cho bản thân thứ áp lực thường ngày là phải “đạt được điều gì đó” cả trong công việc lẫn giải trí.
Đó là khởi đầu cho chuyến hành trình dẫn đến một phiên bản tôi vào năm năm sau, với một cuộc sống không thể nào khác hơn được nữa.
Hiện tôi đang sống ở Bangkok, là một tác giả, diễn giả và chuyên viên tư vấn tự do, làm việc tại hơn hai mươi quốc gia, có một người bạn đời và một ngôi nhà mà tôi yêu quý. Những thay đổi không xảy ra một sớm một chiều, nhưng dịp cuối tuần đó là một bước ngoặt thực sự. Khi cuối cùng tôi cũng cho bản thân cơ hội để suy ngẫm về cuộc đời và tìm cách chủ động tạo ra một cuộc sống được xây dựng dựa trên các giá trị của riêng mình, thay vì bị cuốn theo những kỳ vọng của người khác, góc nhìn của tôi đã thay đổi.
Tôi nhận ra rằng tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về mình và tôi có sức mạnh để tạo ra những thay đổi.
Nhưng thay đổi không phải là điều dễ dàng. Dù đi bất kỳ đâu, chúng ta cũng đều mang theo “cái tôi” bên mình, và những đặc điểm tính cách của tôi như cầu toàn, hay lo nghĩ và tham công tiếc việc không hề biến mất dưới ánh mặt trời Thái Lan.
Tôi đã dành thời gian rèn luyện bản thân theo nhiều cách khác nhau và quan trọng là dành thời gian chăm sóc bản thân. Thời gian để thường xuyên dừng lại và cho phép mình tử tế với bản thân, theo những cách lớn nhỏ khác nhau.
Mặc dù là kiểu người ngại thay đổi, nhưng tôi đã bắt đầu đón nhận những thử nghiệm nho nhỏ về cách thức chăm sóc bản thân. Tôi cũng dần ghi nhớ rằng việc chăm sóc bản thân trong cuộc sống của tôi là những gì phù hợp với tôi, chứ không nhất thiết là với người khác. Có thể sinh tố cải xoăn và dầu dừa không phải những vật phẩm chính yếu trong cuộc sống của tôi, nhưng kiểm tra răng miệng thường xuyên và viết nhật ký vào buổi sáng lại giúp tôi giữ vững tinh thần và sẵn sàng đối mặt với thế giới náo nhiệt quanh mình.
Nếu bạn thấy đồng cảm với bất kỳ trải nghiệm hoặc cảm xúc nào của tôi, thì cuốn sách này là dành cho bạn.
Chăm sóc bản thân là gì?
Chúng ta sống trong một thế giới không ngừng vận động, nơi luôn còn việc nào đó cần phải làm, luôn có ai đấy yêu cầu chúng ta điều gì đó và luôn có thêm một email cần được hồi đáp.
Ngay cả việc chăm sóc bản thân cũng có thể trở thành một nhu cầu nữa, khi lại có thêm một trào lưu sức khỏe nổi lên hoặc một tấm hình đẹp chụp ai đó đang trồng cây chuối và uốn vặn cơ thể xuất hiện trên trang mạng xã hội. Việc chăm sóc bản thân trở thành một nhu cầu mà chúng ta cần phải đáp ứng, một áp lực nữa để phải lo lắng. Nó là một nhiệm vụ nữa mà bạn cần phải làm – và sẽ cảm thấy tồi tệ nếu bỏ bê sao nhãng.
Cuốn sách này không có những điều “cần phải làm”. Thay vào đó, nó giúp bạn thu xếp thời gian chăm sóc bản thân sao cho phù hợp. Cấu trúc của cuốn sách thực hành này sẽ hướng dẫn bạn thực hiện điều đó một cách dễ dàng và ít tốn công sức.
Về mặt khái niệm, “chăm sóc bản thân” (self-care) có một lịch sử lâu dài và đa dạng, nhưng cốt lõi của nó vẫn luôn là sức khỏe. Ban đầu nó là một thuật ngữ được dùng đối với các bệnh nhân y tế, giúp họ chủ động hơn trong việc tự chăm sóc bản thân như tắm rửa, ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Thuật ngữ này phần nhiều là mang tính thể chất.
Về sau, nó được mở rộng sang phạm vi tinh thần và cảm xúc khi các nhà tâm lý học và bác sĩ tìm cách hỗ trợ người lao động trong các ngành nghề nhiều rủi ro cũng như đòi hỏi khắt khe về mặt cảm xúc (như lính cứu hỏa hoặc nhân viên công tác xã hội) và chăm sóc bản thân trở thành một cách để kiểm soát tác động của những công việc đó.
Thuật ngữ này dần mang màu sắc chính trị trong các phong trào phụ nữ và dân quyền khi thành viên của những nhóm này xem việc tự kiểm soát sức khỏe là một hành động cấp tiến, đồng thời đòi quyền độc lập khỏi hệ thống y tế do nam giới da trắng điều hành vốn không đáp ứng được cho họ. Trong những năm 1980 và 1990, thuật ngữ này gắn liền với ngành công nghiệp thể dục thể chất và “sức khỏe toàn diện”, và đến những năm 2010, với sự bất ổn về chính trị và văn hóa ở phương Tây, việc chăm sóc bản thân bắt đầu được nhìn nhận là yếu tố quan trọng giúp con người giữ vững được tinh thần giữa một thế giới náo động và không ngừng biến chuyển.
Đối với tôi, chăm sóc bản thân nghĩa là chịu trách nhiệm với các nhu cầu cảm xúc, tinh thần và thể chất của mình. Vậy chăm sóc bản thân có giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn không? Có chứ, nhưng không phải lúc nào cũng là ngay lập tức. Một số hoạt động có thể mang tính thách thức hoặc gây bất tiện tạm thời nhưng sẽ giúp bạn vui khỏe về lâu dài.
Khi bạn đọc xong một ý tưởng, hãy nghĩ tới bản thân mình và quyết định xem bạn đã sẵn sàng thực hiện ý tưởng đó vào lúc này chưa, hay bạn cần có thêm nhiều năng lượng cho nó và sau này thử lại sẽ tốt hơn. Dù thế nào đi nữa, khái niệm thành công hay thất bại không tồn tại trong cuốn sách này – hãy thử thực hành các ý tưởng rồi xem cái gì phù hợp và cái gì không.
Nội dung cuốn sách và cách sử dụng
Tôi là một nhà tư vấn tâm lý thích lượm lặt những ý tưởng trong cuộc sống, tôi đã có nhiều năm viết bài và cộng tác với các khách hàng về việc chăm sóc bản thân. Tôi không phản đối một số mẹo vặt và kỹ thuật “khác thường” miễn là chúng có cơ sở hợp lý.
Ví dụ trong cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy một số ý tưởng dựa trên việc tạo ra các nghi thức. Nghi thức có thể được định nghĩa là một hoạt động long trọng nhằm đánh dấu sự chuyển tiếp và thuật ngữ này bao hàm mọi thứ từ lễ cưới cho đến việc đọc báo vào bữa sáng. Cuộc sống hiện đại thường thiếu đi những nghi thức, nhưng bạn có thể tự tạo ra bằng cách lựa chọn một loạt các hành động và thực hiện chúng sao cho trọng thể. Điều này đòi hỏi sử dụng đến phần nguyên thủy hơn ở trong bạn, chính là hệ viền hoặc “não bò sát” vốn có chức năng điều chỉnh hành vi, cảm xúc, động lực cùng những thứ khác.
Tôi cũng sẽ yêu cầu bạn viết nhật ký trong quá trình đọc. Viết nhật ký là một từ bóng bẩy để nói tới việc “viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bạn về một điều gì đó”. Trong cuốn sách thực hành này có những khoảng trắng để viết, nhưng bạn cũng có thể viết nhật ký trên máy tính hoặc trong sổ tay. Việc ghi chép mọi thứ ra giấy có thể giúp chúng ta xử lý chúng và đôi khi cho chúng ta thấy được sự thật về những điều mình đang cố né tránh.
Cuốn sách này là một “bộ công cụ” phủ rộng nhiều chủ đề. Trong khi có một số lĩnh vực vô cùng căn bản – ví dụ như cơ thể, tâm trí và cảm xúc – các chủ đề khác dường như lại khá lạ thường. Có thể bạn không xem thời gian, công việc và sự thay đổi là một sự điều chỉnh tự nhiên, nhưng trên thực tế, việc chăm sóc bản thân liên quan đến các chủ đề này – ví dụ như học cách từ chối hoặc đặt ra những giới hạn thích hợp – có thể giúp chúng ta thoát khỏi mặc cảm tội lỗi, giảm bớt những việc cần làm,nhờ đó có nhiều thời gian hơn để kết nối với bản thân và thoát khỏi những tình huống cảm xúc rối rắm vốn chẳng mắc mớ gì đến mình.
Bằng cách thực hiện 101 ý tưởng trong cuốn sách này, bạn sẽ biết được những gì hiệu quả và không hiệu quả đối với mình, cũng như có trong tay một “bộ công cụ” để tham khảo khi cần đến. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh cách thức sử dụng các bài tập sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Hãy chọn chương sách mà bạn cảm thấy hữu ích và cần thiết nhất với mình vào thời điểm hiện tại và lựa ra những ý tưởng mà bạn đồng cảm nhất. Sẽ chẳng có phần thưởng nào cho người đọc hết cuốn sách và thử thực hiện tất cả các ý tưởng đâu!
Một số bài tập rất nhẹ nhàng và nhanh chóng, một số lại đòi hỏi bạn đào sâu suy nghĩ và mất nhiều công sức hơn. Đừng cố thực hiện tất cả cùng một lúc – hoặc thậm chí đừng cố làm theo cả chương chỉ trong một lần. Đây là cuốn sách để nghiền ngẫm lâu dài. Cứ kéo dài thời gian hoàn thành các hoạt động, suy ngẫm về chúng trong cuộc sống thường nhật và để chúng đem đến chút phép màu cho cuộc sống của bạn.
Khi chủ động chăm sóc bản thân, chúng ta sẽ bớt lặp lại các hành vi vô thức (và chẳng mấy hữu ích) để xoa dịu bản thân trong những thời điểm khó khăn. Mục tiêu của cuốn sách này là giúp bạn tận dụng từng khoảnh khắc và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và căng thẳng trong cuộc sống bằng cách giảm thiểu các trạng thái cảm xúc tiêu cực – chẳng hạn như lo âu và căng thẳng – vốn ảnh hưởng không tốt tới sự lành mạnh của sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của chúng ta.
Nếu bạn không rõ phải bắt đầu từ đâu thì theo tôi, ba chương đầu tiên (Cơ thể, Tâm trí và Cảm xúc) là ba chương “căn bản” giúp bạn có được nền tảng vững chắc để thực hành chăm sóc bản thân.
Nói là vậy nhưng mọi khía cạnh của việc chăm sóc bản thân thực chất đều liên kết với nhau. Bạn có thể nhận ra rằng việc chăm sóc cơ thể sẽ làm thay đổi cả sức khỏe thể chất lẫn cảm xúc của bạn, hoặc việc bớt xét nét với bản thân khi thể hiện óc sáng tạo sẽ hỗ trợ bạn tạo ra những thay đổi và làm việc hiệu quả hơn.
Bài này đã được đọc 807 lần!