Mục lục bài viết
Nếu bạn có định hướng vươn lên các vị trí quản lý cấp cao, trưởng phòng trong trong doanh nghiệp, thì những kỹ năng dưới đây nhất định bạn phải có
Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thường có bộ phận quản trị gồm 3 cấp:
- Quản trị viên cấp cao: Xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược hành động và phát triển của tổ chức.
- Quản trị viên cấp trung: Thực hiện kế hoạch, chính sách của tổ chức bằng cách phối hợp thực hiện cùng các phòng ban các công việc nhằm hoàn thành mục tiêu chung
- Quản trị viên cấp cơ sở: Hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo nhân viên hoàn thành công việc thường nhật để thực hiện các chỉ tiêu đề ra
Tùy thuộc vào quy mô của công ty mà số lượng và nhiệm vụ chính của quản trị viên sẽ thay đổi phù hợp. Ở mỗi cấp quản trị, yêu cầu về kỹ năng làm việc có thể sẽ thay đổi khác nhau, tuy nhiên 5 kỹ năng sau đây luôn là yếu tố rất quan trọng của một quản trị viên giỏi.
Tất nhiên không phải bất kỳ nhân viên nào cũng có thể trở thành một quản trị viên, vì đó còn là kết quả của cả một quá trình làm việc – tích lũy – trau dồi, nhưng nếu bạn muốn phát triển lên vị trí quản lý, đừng bỏ qua 5 kỹ năng này.
Kỹ năng lập kế hoạch và tư duy chiến lược
Sự khác biệt lớn nhất giữa một nhân viên và một nhà quản trị đó là về kỹ năng lập kế hoạch và tư duy chiến lược. Khi còn là một nhân viên, bạn luôn cố gắng hoàn thành chỉ tiêu KPI đặt ra, đó chính là một ví dụ về bản kế hoạch mà cấp trên của bạn (quản trị viên cấp cơ sở) giao cho từng cá nhân thực hiện. Đối với quản trị viên cấp cao hơn thì yêu cầu về kỹ năng tư duy chiến lược càng cao và cần có tầm nhìn dài hạn hơn.
Để làm được điều này, bạn cần nắm rõ nhiệm vụ của mình là gì? Mục tiêu của doanh nghiệp là gì? Mục tiêu của phòng ban bạn phụ trách là gì? Từ những nguồn lực (về con người và tài chính) bạn sẽ vạch ra kế hoạch hành động cụ thể. Trên thực tế kế hoạch luôn có những thay đổi liên tục do cả yếu tố khách quan – chủ quan, nhưng với tư duy chiến lược rõ ràng, bạn sẽ có kế hoạch dự phòng để ứng biến với những thay đổi này.
Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình
Không chỉ các nhà quản trị mới cần trau dồi kỹ năng giao tiếp thuyết trình, mà tất cả mọi người khi đi làm đều cần có. Thử tưởng tượng xem đồng nghiệp sẽ cảm thấy thế nào khi bạn ăn nói ấp úng, không thể nói rõ ràng hay phát biểu ý kiến của bản thân?
Là một nhà quản trị thì kỹ năng giao tiếp lại càng quan trọng hơn, vì họ phải là người thường xuyên đứng trước đám đông trình bày về định hướng phát triển của công ty, kế hoạch làm việc,… Họ còn đại diện cho bộ mặt công ty khi làm việc với các đối tác cấp cao. Với kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt, nhà quản trị sẽ có những sự tự tin cần thiết, thể hiện tác phong chuyên nghiệp và khả năng thuyết phục trong các thương vụ đàm phán
Kỹ năng quản lý thời gian
Khi còn là nhân viên, bạn chỉ cần quan tâm làm sao để hoàn thành tốt công việc trong 8 tiếng làm việc, đôi khi có thêm những buổi tăng ca. Còn khi bạn đã là một nhà quản trị, quản lý thời gian không còn là vấn đề cá nhân nữa: Công việc thì càng ngày càng nhiều, trong khi thời gian thì rất công bằng – mỗi ngày 24 tiếng. Nếu bạn không có kỹ năng quản lý thời gian, bạn sẽ rất dễ bị quá tải, thường xuyên đi sớm về hôm mà công việc vẫn còn ngổn ngang.
Để giải quyết bài toán này, bạn cần lên thời gian biểu cho công việc một cách phù hợp. Hãy tối giản những công việc “ngốn” nhiều thời gian mà có thể giao lại cho nhân viên cấp dưới và tập trung giải quyết các công việc quan trọng hơn.
Kỹ năng ra quyết định
Ra quyết định là một phần công việc vô cùng quan trọng của các cấp quản lý: Cấp quản lý càng cao, tầm ảnh hưởng của quyết định càng lớn. Một quyết định đúng đắn có thể mang lại thành công của rất nhiều người, nhưng chỉ một quyết định sai lầm cũng có thể dẫn đến thất bại của dự án. Nhà quản trị phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định mà họ đưa ra, và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những quyết định đó.
Để có một quyết định đúng đắn, bạn cần phải rèn luyện rất nhiều kỹ năng khác như: Kỹ năng phân tích, xử lý tình huống, tư duy phản biện, tầm nhìn chiến lược,… Bằng việc hoàn thiện bản thân, bạn sẽ hạn chế được những quyết định sai lầm, có tâm lý vững vàng khi đứng trước mọi quyết định.
Kỹ năng làm việc với con người
Đây là kỹ năng giúp định hình phong cách quản trị của bạn. Chắc ai cũng muốn là sếp được mọi người tôn trọng, lắng nghe và trở thành người truyền lửa cho nhân viên trong công ty. Nhưng làm sao để hòa hợp với tất cả mọi người trong công ty là một việc không hề đơn giản vì mỗi người đều có một suy nghĩ và tính cách riêng.
Bạn có thể nói rằng: “À tôi không sống để làm hài lòng tất cả mọi người”. Nhưng nếu đã làm việc trong một tập thể, chúng ta không thể vì không hài lòng với một ai đó mà gây khó dễ cho họ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả doanh nghiệp. Nhất là đối với một nhà quản trị cần phải là người thực sự công tâm, ứng xử một cách khéo léo, là người kết nối tất cả mọi nhân viên hành động vì mục tiêu công việc của doanh nghiệp.
Ngoài 5 kỹ năng thiết yếu trên, để trở thành một nhà quản trị giỏi, bạn cần trau dồi thêm nhiều kiến thức chuyên môn và nhiều kỹ năng quan trọng khác.
Bài này đã được đọc 1324 lần!