Bạn sẽ đọc khoảng: 4 phút

Điều này để tránh những trở ngại hoặc mâu thuẫn không đáng có giữa các nhà đồng sáng lập, nhà đầu tư hoặc cố vấn

Doanh nghiệp khởi nghiệp thường phải đối mặt với một “mê cung” pháp lý nếu không được hướng dẫn. | Ảnh: BCCL

Trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, các startup thường tập trung tìm kiếm thị trường, doanh số mà quên mất tầm quan trọng của luật pháp. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp vấp phải trở ngại, gặp sự cố mâu thuẫn giữa nhà sáng lập và người đồng sáng lập, giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư,… Để tránh gặp phải những vấn đề trên, bạn cần “bỏ túi” một số vấn đề pháp lý cơ bản sau:
1. Thỏa thuận trước khi thành lập công ty
Dự án startup không thể triển khai nếu chỉ có sức lực của một cá nhân, vì thế các nhà sáng lập cần tìm kiếm những người đồng hành với mình. Và đa số giữa họ có những thỏa thuận miệng qua lại với nhau về mức lương, điều kiện công việc,… Tuy nhiên, đến lúc dự án ổn định, doanh thu tăng cao khiến cho các bên xung đột với nhau về quyền lợi cá nhân. Để tránh sự cố này, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp cần rõ ràng về điều khoản công việc, lương thưởng cũng như cách thức làm việc giữa các bên.
2. Thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ
Nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối về tranh chấp các tài sản trí tuệ, đặc biệt với những startup ứng dụng công nghệ mới lần đầu xuất hiện.Việc ký thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho những sáng kiến, sáng chế, logo, thương hiệu, slogan, sản phẩm,… của các doanh nghiệp khởi nghiệp được bảo vệ với bên ngoài, đồng thời cũng làm rõ những điều “được làm” và “không được làm” giữa những người có quyền sở hữu, người có quyển sử dụng, nhà đầu tư …
3. Lựa chọn mô hình công ty phù hợp
Việc lựa chọn mô hình công ty phù hợp với dự án khởi nghiệp là yếu tố cơ bản để xác lập quy chế pháp lý đặc thù, giúp cho quá trình phát triển công ty được suôn sẻ. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, có 4 loại hình doanh nghiệp mà các startup có thể bắt đầu đó là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH); Công ty Cổ phần (CP); Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế các startup thường lựa chọn 2 loại hình là Công ty TNHH và Công ty CP để đăng kí kinh doanh bởi chúng chỉ yêu cầu bạn chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty, thay vì 2 loại hình kia buộc bạn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả tài sản cá nhân nếu phát sinh nghĩa vụ.
Giữa Công ty TNHH và Công ty CP thì nên chọn loại hình nào? Số lượng thành viên ban đầu của công ty TNHH có thể từ 1 đến 50, trong khi đó Công ty CP tối thiểu phải có 3 đồng sáng lập trở lên. Thông thường những nhà khởi nghiệp thường chọn mô hình Công ty CP vì lí do dễ kêu gọi vốn đầu tư. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức và quản lý của công ty TNHH lại đơn giản và ít sự ràng buộc hơn Công ty CP. Ngoài ra, Công ty TNHH cũng có những quy định về chuyển nhượng vốn đơn giản, có sự khép kín và mang tính nội bộ.
Việc lựa chọn loại hình nào tùy theo định hướng tương lai của startup, đặc biệt cần cân nhắc ưu nhược điểm nếu doanh nghiệp có kế hoạch tiếp nhận đầu tư hoặc thoái vốn trong tương lai.
4. Sẵn sàng giấy tờ pháp lý cần thiết theo yêu cầu
Startup đừng quên bỏ qua việc chuẩn bị các giấy tờ pháp lý cần thiết để đảm bảo hành lang pháp lý an toàn, tránh gặp phải những trường hợp bị động khi kinh doanh. Các giấy tờ này liên quan đến ngành nghề, mô hình hoạt động công ty, điều kiện kinh doanh, hợp tác, góp vốn,…
Nếu không chuẩn bị sẵn giấy tờ hợp tác làm ăn giữa các bên, startup có thể tuột mất cơ hội khi có doanh nghiệp muốn hợp tác. Chẳng hạn, nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế có thể ngần ngại nếu bạn chưa có chưa có giấy phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề này.
5. Điều khoản sử dụng trang website
Trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nhà khởi nghiệp cần tận dụng để quảng bá sản phẩm đến với nhiều người. Họ thường sử dụng các kênh hỗ trợ như: trang web, fanpage, các mạng xã hội,… Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ các điều khoản sử dụng trang web để tránh phạm phải những quy định “hiển nhiên” trên các nền tảng đó.
Chẳng hạn, vấn đề “bảo mật cá nhân” ở nhiều nền tảng như Facebook, Youtube, Twitter đang có sự khác biệt ở từng quốc gia, do vậy bạn cần lưu ý trên mỗi nền tảng, bạn được phép truy cập hợp pháp những dữ liệu người dùng nào.
Việc tuân thủ những điều khoản sử dụng trang website hoặc nền tảng sẽ giúp cho startup quản lý được hành vi truy cập của khách hàng, đồng thời ngược lại, nó cũng giúp startup có cơ sở thảo nên những quy định của mình với từng nhóm đối tượng khách hàng mà không vi phạm pháp luật sở tại.

theo khoahocphatrien.vn

Bài này đã được đọc 873 lần!