Nếu có thể tìm ra và giết chết “con bò quý giá” của bản thân, bạn hoàn toàn có thể đặt chân đến thành công.
Xưa có hai thầy trò nhà hiền triết đi chu du khắp nơi. Một lần, khi đi qua ngôi làng nọ, họ quyết định dừng chân vào nghỉ ngơi và tìm hiểu cuộc sống của những người trong làng.
Họ ghé thăm và xin ngủ lại ở một gia đình nghèo khổ nhất làng, nơi mà cả mấy thế hệ từ ông bà, bố mẹ, con cái chen chúc trong túp lều tranh rách nát. Nguồn trông chờ duy nhất của cả 8 miệng ăn là một con bò sữa – tài sản quý giá nhất của họ.
Tối đó, sau một hồi nói chuyện cùng gia chủ, 2 thầy trò nhà hiền triết được cho ngủ nhờ tại căn chòi rơm. Tuy nhiên, tới nửa đêm, nhà hiền triết đột nhiên đánh thức cậu học trò dậy và giục chuẩn bị để lên đường đi tiếp. Trước khi đi, nhà hiền triết không quên lấy con dao trên vách đâm chết con bò sữa của gia đình nghèo khổ. Thấy vậy, cậu học trò tỏ ra vô cùng hoang mang và không sao hiểu nổi. Tuy nhiên, sau đó cậu cũng phải vội theo chân thầy rời đi trước khi bị dân làng phát hiện.
Bẵng đi một thời gian, khoảng 1 năm sau, 2 thầy trò nhà hiền triết nọ lại có dịp đi qua ngôi làng xưa. Lúc này, anh học trò tỏ ra sợ hãi, khuyên thầy của mình nên tránh xa ngôi làng hoặc đi vòng đường khác để tránh gặp phải tai họa. Tuy nhiên, nhà hiền triết vẫn một mực thẳng tiến về phía cuối làng, đi đến nơi ở của gia đình nghèo khổ trước kia.
Tới nơi, 2 thầy trò vô cùng ngạc nhiên phát hiện túp lều đổ nát ngày nào giờ đã không còn, thay vào đó là một căn nhà ngói khang trang. Nhà hiền triết và học trò liền ghé vào thăm gia đình nọ và kể cho họ nghe toàn bộ sự thật. Sau khi biết nhà hiền triết chính là người đã đâm chết con bò sữa năm xưa, những người trong gia đình không những không nổi giận mà còn cảm ơn rối rít.
Thì ra, sáng hôm đó, sau khi tỉnh dậy và phát hiện con bò đã chết, cả gia đình họ đã vô cùng hoảng sợ. Không còn con bò để vắt sữa, họ phải tìm cách phát hoang đất, trồng lương thực để không rơi vào cảnh chết đói. Tuy nhiên, nhờ khả năng xoay xở, họ không những đủ ăn mà còn có dư để đem bán rồi lấy vốn chăn nuôi. Chẳng lâu sau đó, cuộc sống của họ dần trở nên sung túc.
Nhà hiền triết lý giải “con bò mà họ yêu quý như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo khổ cực. Chỉ khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mới nhìn sang hướng mới”.
Thông qua câu chuyện về con bò sữa, nhà hiền triết giảng cho cậu học trò về cái bẫy an toàn trong cuộc sống con người: “Nếu con có 1 công việc – dù con không thích – nhưng giúp con trả được nợ, sống sót và cũng tận hưởng được một vài tiện nghi nho nhỏ, thì con dễ dàng rơi vào cái bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được một cái gì đó. Cuối cùng con biện minh rằng khối người muốn được như vậy mà có được đâu. Và vì thế con giữ nó hoài”.
Nghe lời dạy của thầy, người học trò cũng đã đi tìm “giết” con bò của bản thân để bắt đầu một cuộc sống khác.
“Chúng ta cứ trông cậy vào các con bò có sẵn. Chúng ta cứ loanh quanh trong vòng tròn an toàn… Chúng ta sợ hãi sự thay đổi. Và chúng ta chết già mà chẳng làm gì nên hồn! Bạn có bao nhiêu con bò quý giá? Có dám giết không?”
Câu chuyện trên được viết trong cuốn sách “Once upon a Cow” (Ngày Xưa Có Một Con Bò) của Tiến sĩ Camilo Cruz. Con bò sữa là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho vùng an toàn của mỗi người trong cuộc sống. Có một vùng an toàn cho bản thân là rất tốt, tuy nhiên, nếu cứ quanh quẩn trong đó bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Đặc biệt là trong kinh doanh, muốn thành công thì không bao giờ được phép hài lòng với những gì mình đang có mà phải luôn tìm cách mở rộng phạm vi an toàn để vươn lên.
nguồn: ST
Bài này đã được đọc 2667 lần!