Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Nhiều công ty đào tạo đội ngũ nhân viên trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá giúp họ.

Sau khi Emily Durham kể chi tiết về “ngày trong cuộc đời” như một nhà tuyển dụng của Intuit trên TikTok và podcast tư vấn nghề nghiệp của cô bắt đầu tăng hạng trong biểu đồ podcast của Apple, cô trở nên lo lắng không biết công ty của mình sẽ nghĩ gì. Cô đã nói về các chủ đề đầy tranh luận như đàm phán lương và phân biệt chủng tộc trong thị trường việc làm rộng lớn hơn.

“Suy nghĩ đầu tiên khi podcast của tôi bắt đầu nổi lên là ‘Tôi sắp bị sa thải,’” Durham nói. Hiện hơn 345.000 người theo dõi cô trên nền tảng video dạng ngắn. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần khi ban quản lý nói, ‘Hãy dẹp ngay đi.’”

Thay vào đó, cô cho biết Intuit khuyến khích cô tiếp tục làm, đăng thêm video cũng như xuất bản nhiều tập podcast, đồng thời khuyến khích các nhân viên khác cũng đăng tải về những trải nghiệm việc làm của họ. (Intuit không phản hồi câu hỏi phỏng vấn Forbes gửi qua email.)

Theo TikTok, hashtag #corporatetiktok, được những người sáng tạo sử dụng để chia sẻ lời khuyên về nghề nghiệp và video về công việc, thu hút hơn 3 tỉ lượt xem. Ảnh: Getty/Forbes
Theo TikTok, hashtag #corporatetiktok, được những người sáng tạo sử dụng để chia sẻ lời khuyên về nghề nghiệp và video về công việc, thu hút hơn 3 tỉ lượt xem. Ảnh: Getty/Forbes

Trong nhiều năm, các công ty xây dựng chính sách cũng như hướng dẫn về những gì nhân viên có thể và không thể nói trên mạng xã hội. Đồng thời những quy định nhắc nhở họ rằng khi xuất hiện trên mạng xã hội, những gì họ nói không liên quan đến công ty.  

Nhưng khi TikTok đã trở thành trang mạng như LinkedIn của thế hệ Z — nền tảng được nhiều nhân viên trẻ lựa chọn để chia sẻ cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp — thì ngày càng có nhiều công ty, bao gồm Cisco Systems, Ericsson và United Airlines, tuyển dụng nhân viên để trở thành người có tầm ảnh hưởng trong nội bộ của công ty.

Khi làm như vậy, công ty hi vọng sẽ tạo ra người xác thực cho công ty—cung cấp quan điểm của người trong cuộc tốt hơn bảng mô tả quảng cáo công ty. Đồng thời công ty chấp nhận rủi ro rằng một số nhân viên có thể cảm thấy gánh nặng với công việc PR không được trả lương hoặc than phiền về nơi làm việc đầy bất công.

“Phải cân đối một chút,” Neil Costa, người sáng lập công ty quảng cáo tuyển dụng HireClix, giúp các công ty quảng cáo tin tuyển dụng và tiếp cận người tìm việc, cho biết. Những công ty, đặc biệt trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như tài chính, cần đảm bảo nhân viên không chia sẻ bí mật thương mại hoặc vi phạm quy định chẳng hạn. “Luật sư thích tham gia vào phần đó,” ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển dụng cho rằng xây dựng đội ngũ nhân viên có tầm ảnh hưởng trong nội bộ là chiến lược thông minh tại thời điểm công ty đang gặp thách thức trong việc kể câu chuyện xác thực. “Thời của video dài từ ba đến năm phút của CEO về lý do tại sao thật tuyệt khi làm việc ở đó đã qua rồi,” Costa nói.

Chiến lược này chỉ hoạt động tại các công ty có nền văn hóa mạnh mẽ, Rita Men, giáo sư tại đại học Florida, nghiên cứu về vận động nhân viên, truyền thông doanh nghiệp và các công nghệ mới nổi, cho biết. “Nếu công ty có nền văn hóa thực sự tồi tệ, thì họ khó có thể mong đợi nhân viên trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ,” bà cho biết.

Theo trang web tìm kiếm việc làm Zippia, 57% người tìm việc đang sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm việc làm. Theo TikTok, hashtag #corporatetiktok, được những người sáng tạo sử dụng để chia sẻ lời khuyên về nghề nghiệp và video về công việc, thu hút hơn 3 tỉ lượt xem, trong khi hashtag #worktok thu hút 1,4 tỉ lượt xem.

Trên LinkedIn, Cisco cung cấp chương trình đào tạo cho 83.300 nhân viên để trở thành những người có tầm ảnh hưởng tài năng. Chẳn hạn như công ty hướng dẫn họ cách sử dụng hồ sơ LinkedIn để thu hút ứng viên. Những bài đăng do nhân viên tạo như vậy “tốt hơn rất nhiều so với nội dung chúng tôi lựa chọn theo quan điểm xây dựng thương hiệu,” giám đốc nhân sự Kelly Jones, người cũng thỉnh thoảng để nhân viên tiếp quản tài khoản mạng xã hội của công ty trong một ngày, cho biết. “Đó không phải là nội dung do công ty tạo ra.”

United Airlines tạo ra một nhóm nội bộ gồm khoảng 50 người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, theo Chicago Tribune đưa tin vào năm 2020. Hãng sử dụng nhân viên từ tiếp viên hàng không đến người xử lý hành lý để chia sẻ thông điệp về công việc trên mạng xã hội và sử dụng một nền tảng mà cho phép nhân viên chia sẻ các bài đăng, theo Tribune.

“Chúng tôi không thể tránh khỏi nhân viên tạo ra sức ảnh hưởng thấp,” hãng hàng không viết trên TikTok vào tháng Hai. United từ chối thảo luận thêm về sáng kiến này với Forbes.

Tại công ty viễn thông toàn cầu Ericsson, giám đốc khuyến khích nhân viên và truyền thông xã hội Anita Veszeli cho biết đầu tiên công ty tạo ra các bảng thành tích để theo dõi các bài đăng trên mạng xã hội có hiệu suất cao nhất do nhân viên thực hiện và đăng.

Nhưng điều đó đã trở nên quá “ngốc,” Veszeli nói: nhân viên bị áp lực để “thích” các bài đăng của nhau, thậm chí nhờ bạn bè và gia đình để “thích” bài đăng. Từ đó, họ chia sẻ nhiều bài trùng lặp nhau. Thay vào đó, nhóm của bà hướng dẫn nhân viên nhiều chủ đề như cách thu hút người theo dõi và bắt đầu tạo video.

Tại Ericsson, Veszeli cho biết công ty cũng xây dựng một “nền tảng khuyến khích nhân viên” để giúp họ hiểu rõ về ngành, tìm nội dung mang thương hiệu Ericsson họ có thể chia sẻ hoặc gửi bài đăng để công ty có thể đồng ý cho đồng nghiệp chia sẻ trên tài khoản riêng.

Để đạt hiệu quả, nội dung do nhân viên tạo ra không nên quảng cáo một cách trắng trợn, như bao gồm ảnh hồ sơ được dán logo của công ty, ông nói. Khi nhân viên chia sẻ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trên vlog, thì “đó là một cơ hội cho chúng tôi,” bà nói.

Các nền tảng nhóm truyền thông xây dựng với nội dung làm sẵn để nhân viên đăng phổ biến, Men của đại học Florida cho biết, nhưng chỉ nên làm vậy trong thời gian đầu. Nếu nhân viên chia sẻ cùng một thông điệp nhiều lần, người dùng mạng xã hội sẽ trở nên miễn nhiễm với thông điệp đó.

Trong khi đó, công ty cần đảm bảo nhân viên không chia sẻ tài chính hoặc hoạt động bảo mật của công ty, Costa của HireClix cho biết.

Trong trường hợp của Durham, cô nói rằng sếp đề nghị cô gặp nhóm pháp lý và đạo đức của Intuit để phòng những rủi ro trước khi được đồng ý cho phép tiếp tục đăng bài. “Tất nhiên có những chính sách tôi nên lưu tâm,” cô nói.

Theo Costa, một rủi ro khác công ty gặp phải là nhân viên được theo dõi rộng rãi đến mức họ bắt đầu kiếm đủ tiền từ mối quan hệ đối tác. Vì vậy, họ dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tạo nội dung. “Hoặc, công ty khác trong cùng ngành săn đón nhân viên đó?”

Tuy nhiên, công ty không thể cố gắng kiểm soát quá nhiều những gì nhân viên nói trên mạng xã hội, Men của đại học Florida cho biết, vì điều đó có nguy cơ làm mất niềm tin lẫn nhau. “Nhân viên sử dụng mạng xã hội và dù sao thì họ cũng nói về công ty họ làm,” bà nói, “dù muốn hay không.”

nguồn: forbes.vn

Bài này đã được đọc 421 lần!