ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu mang tính chiến lược và cấp thiết cho hầu hết các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững trong dài hạn…
ESG là cụm từ viết tắt cho E-Environmental (Môi trường), S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như những dịch chuyển về chính sách quản trị đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực cấp thiết để đo lường, công bố và cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG trên ba khía cạnh cụ thể:
Về môi trường: các vấn đề như phát thải carbon, quản lý nước và chất thải, nguồn cung nguyên liệu thô, và tác động từ biến đổi khí hậu
Về xã hội: sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, quản lý lao động, an ninh và bảo mật dữ liệu, và quan hệ cộng đồng
Về quản trị: các vấn đề liên quan tới quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế đãi ngộ, và sự đa dạng trong Hội đồng quản trị
ESG GẮN LIỀN VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP VÀ LỢI NHUẬN DÀI HẠN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Tại Việt Nam, chỉ số ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện đưa doanh nghiệp ra thế giới. Một báo cáo về chiến lược ESG tổng quát sẽ truyền tải thông điệp rằng doanh nghiệp đang có những bước đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Nghiên cứu mới đây của PwC đã khảo sát 325 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các nhà đầu tư đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ đầu tư. Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.
Việc dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư ESG là một xu thế tất yếu, khi hàng loạt các cường quốc trên thế giới gồm Mỹ, Nhật, Hàn, Châu Âu, Úc đều tập trung thúc đẩy các tiêu chí ESG nhằm cải thiện chất lượng môi trường và cân bằng xã hội.
Tại Việt Nam, việc cam kết và thực hiện các mục tiêu ESG không chỉ đơn giản là giải pháp quản lý rủi ro về thương hiệu cho các doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để tạo giá trị cho xã hội và tối ưu hoá mô hình kinh doanh.
Từ năm 2021, cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (“Net Zero”) đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26. Điều này mở đường cho những bước đột phá đầu tiên trong việc biến cam kết thành hành động, thúc đẩy các cấp chính quyền xây dựng chính sách, luật định liên quan tới môi trường cũng như các doanh nghiệp chung tay để hiện thực hóa cam kết quốc gia.
QUY TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI ESG CHO DOANH NGHIỆP
Thứ nhất, để xây dựng chiến lược ESG hiệu quả, các doanh nghiệp không nên chỉ tuân theo khuôn khổ để đạt được “điểm số” cao, mà cần thực sự hiểu giá trị của ESG và tích hợp ESG trong việc đưa ra quyết định. Đặc biệt, để xây dựng vị thế dẫn đầu trong việc chuyển đổi ESG, lãnh đạo và chủ doanh nghiệp cần thường xuyên xem xét và đưa ESG vào các hoạt động cốt lõi.
Thứ hai, chuyển đổi ESG cần được diễn ra một cách đồng bộ và hệ thống. Với các doanh nghiệp tại Việt Nam, khi thực hành ESG, nhiều yếu tố trong quy trình ban đầu có thể sẽ không còn phù hợp, gây ra nhiều bất cập trong công tác vận hành, ảnh hưởng tiêu cực tới thời gian và kinh phí. Trong khi đó, mỗi yếu tố E-S-G đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và sẽ tạo động lực cho nhau. Vì vậy, các sáng kiến cần đảm bảo sự đồng bộ và hệ thống để tối ưu chi phí và thời gian, thúc đẩy việc phát triển chiến lược chung.
Thứ ba, chiến lược chuyển đổi ESG cần những hoạt động xuyên suốt, từ việc định hình tầm nhìn và mục tiêu tới những bước cải tiến và mở rộng quy mô. Việc chuyển đổi ESG ở các doanh nghiệp nói chung, hay những doanh nghiệp tư nhân nói riêng, không thể thực hiện ngắn hạn, mà cần trải qua một quá trình lặp đi lặp lại, bắt đầu từ các dự án thử nghiệm, sau đó là cải tiến liên tục và mở rộng quy mô, dựa trên 5 quy trình chính:
Đặt cơ sở: Doanh nghiệp cần hiểu rõ ngữ cảnh, vị thế và các điều kiện liên quan của mình ở thời điểm bắt đầu thực hiện chuyển đổi ESG.
Thiết lập chiến lược: Doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu mà mình muốn đạt được liên quan tới từng chủ đề trọng tâm cho từng khía cạnh của ESG, bao gồm Môi trường, Xã hội và Quản trị.
Xây dựng lộ trình chuyển đổi: Doanh nghiệp cần thiết lập được lộ trình rõ ràng cho chương trình chuyển đổi để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra. Đây là bước quan trọng để doanh nghiệp áp dụng các lý thuyết vào hoạt động thực tế.
Ứng dụng vào vận hành và triển khai: Từ lộ trình chuyển đổi chung của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần xác định cụ thể các thay đổi cần thiết liên quan tới ESG để áp dụng vào các quy trình vận hành và triển khai thực hiện.
Báo cáo và công bố thông tin: Cuối cùng, doanh nghiệp cần báo cáo về chiến lược cũng như lộ trình liên quan tới ESG của mình, xác định hình thức và mức độ thông tin cần đo lường và công bố.
nguồn: https://vneconomy.vn/xay-dung-chien-luoc-esg-cho-doanh-nghiep-tu-nhan.htm
Bài này đã được đọc 642 lần!