Bạn sẽ đọc khoảng: 8 phút

Những thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách hàng, các chính sách của chính phủ, và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang thực sự khiến thị trường khó đoán và bất ổn hơn bao giờ hết. Tình thế này yêu cầu doanh nghiệp cần phải có những thích ứng về mặt chiến lược để vượt qua khủng hoảng.

Nhân vật Petyr Baelish “Littlefinger” trong Game of Thrones đã từng nói: “Chaos is a ladder” (“Hỗn loạn chính là cơ hội để leo lên”). Sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể được coi như một cuộc “sàng lọc tự nhiên”, khốc liệt và bất ngờ, khiến nhiều doanh nghiệp yếu sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi, còn những cái tên kịp thời thích ứng sẽ tồn tại và vươn lên dẫn đầu.

Trong bài viết này vạch ra 7 chiến lược cấp thiết về sản phẩm, truyền thông, phân phối, quản trị dòng tiền,… mà doanh nghiệp cần cấp thiết điều chỉnh để thích ứng với trong tình hình hiện tại.

1. CHIẾN LƯỢC SẢN PHẨM 

Nguyên tắc cốt lõi khi xây dựng sản phẩm đó là sản phẩm phải dựa trên nhu cầu thị trường. Vậy nên, khi nhu cầu thị trường thay đổi, điều đầu tiên mà bạn cần làm, đó là điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp.

Hiện tại trong mùa dịch, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, và khách hàng nảy sinh những nhu cầu mới, các doanh nghiệp cần lưu ý điều chỉnh như sau:

➤ Xây/ điều chỉnh sản phẩm giải quyết các nhu cầu mới, cụ thể là nhu cầu cập nhật tình hình dịch bệnh, nhu cầu sử dụng dịch vụ đảm bảo sức khỏe, nhu cầu social distancing,… Rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược này, tiêu biểu như: Grab và Be ra mắt tính năng đi chợ hộ, Lotus xây chuyên mục riêng cập nhật tình hình dịch bệnh, LVMH chuyển sang sản xuất nước rửa tay, Got It xây dựng sản phẩm xác định số F của người dùng,…

Với các ngành chịu ảnh hưởng nặng như du lịch và F&B, các hãng cũng có thể điều chỉnh sản phẩm theo hướng premium hóa và cá nhân hóa, như cung cấp tour/bàn ăn riêng biệt cho nhóm nhỏ, có các biện pháp diệt khuẩn, đảm bảo nhu cầu an toàn và social distancing của khách hàng (với mức giá cao hơn).

➤ Cắt giảm hoạt động kinh doanh không hiệu quả, tập trung vào hoạt động kinh doanh chính để giảm thiểu chi phí và ổn định doanh thu. Tập trung chăm sóc các khách hàng và đối tác thân thiết, cầm cự qua thời gian khó khăn

2. CHIẾN LƯỢC GIÁ 

➤ Giảm giá, khuyến mại, kích thích tiêu dùng với hàng tiêu dùng nhanh

Một điều quan trọng các doanh nghiệp cần lưu ý trong thời kỳ khủng hoảng là phải giảm thiểu hàng tồn khokích thích tiêu dùng. Với những mặt hàng tiêu dùng nhanh, các doanh nghiệp có thể tung các chiến dịch khuyến mại khi mua sản phẩm, xây dựng các combo hấp dẫn, hoặc tăng lượng tích điểm khi khách mua hàng.

Chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm lượng tiền mặt đủ để cầm cự qua thời kỳ dịch bệnh, chờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại.

➤ Đặt giá cao với một số loại dịch vụ premiumcam kết đảm bảo sức khỏe và social distancing

Với các sản phẩm/ dịch vụ không phải hàng tiêu dùng nhanh, mà các ngành du lịch hay F&B là ví dụ, doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm theo hướng premium hóa và cá nhân hóa, (như đã đề xuất ở phần Chiến lược sản phẩm), đồng thời thu giá cao hơn bình thường.

Chiến lược này là hoàn toàn khả thi, bởi dù dịch bệnh khiến người dân hạn chế đi lại, nhưng nỗi lo thực sự của khách hàng là vấn đề vệ sinh và nhu cầu social distancing, vậy nên nếu doanh nghiệp có thể giải quyết được nhu cầu đó, thì dịch vụ vẫn hoàn toàn có thể có khách hàng, thậm chí là khách hàng trả giá cao.

3. CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG

➤ Tạo nội dung đánh vào nỗi quan tâm mới của khách hàng

Ông Tuấn Hà, CEO của Vinalink, chuyên gia về Marketing đã từng nói: “Không có lúc nào là người tiêu dùng không có nhu cầu, chỉ là nhu cầu của họ khác đi theo thời gian mà thôi. Và doanh nghiệp cần phải linh hoạt truyền thông đúng vào nhu cầu đó”.

Trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu và mối quan tâm của người tiêu dùng cũng liên quan đến các vấn đề về dịch bệnh, và doanh nghiệp cần tìm ra mối liên hệ giữa mình và các vấn đề đó, rồi xây dựng các nội dung giúp khách hàng giải quyết vấn đề.

Trello hay Coda, các nền tảng làm việc và quản lý công việc online, đều đã gửi email đến khách hàng kèm tài liệu hướng dẫn làm việc từ xa. Hay bài viết này của ThinkZone, cũng là một ví dụ điển hình cho chiến lược này.

➤ Tổ chức các chương trình khuyến mãi, tặng kèm sản phẩm bảo vệ sức khỏe

Một số công ty đã áp dụng các chương trình khuyến mại, trong đó dành tặng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe (khẩu trang, nước rửa tay,…) cho khách hàng download ứng dụng hoặc đăng ký gói dịch vụ.

Nhiều công ty cũng đã miễn phí các dịch vụ online của mình để thu hút user như: AWS Chime miễn phí gói Pro cho online meeting và video conferencing, VHT miễn phí tổng đài số, hay nổi nhất là PornHub miễn phí gói premium video trên toàn thế giới.

➤ Các hoạt động trách nhiệm xã hội

Nhiều doanh nghiệp, với nguồn lực lớn, còn tham gia đồng hành cùng quá trình ứng phó với dịch bệnh, như VinGroupFLC,… ủng hộ hàng trăm tỉ đồng chống dịch, VNPost, triển khai chương trình hỗ trợ vận chuyển tới các địa điểm cách ly dịch Covid-19,…

Các hành động này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện đáng kể hình ảnh trong cộng đồng, thu hút khách hàng trung thành. Tuy nhiên, phương án này chỉ khả thi với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực.

4. KÊNH PHÂN PHỐI 

➤ Tập trung vào kênh online, hạn chế hoặc cắt bỏ các kênh offline

Trong bối cảnh người dân hạn chế đi lại, và chính quyền nhiều địa phương cũng đã ban hành chính sách cấm các khu vực, hàng quán, cơ sở kinh doanh tập trung đông người, thì nhu cầu mua hàng online đang tăng cao hơn bao giờ hết.

Bởi vậy, các doanh cần ngay lập tức đầu tư cho các kênh bán hàng online (nếu sản phẩm/ dịch vụ có thể bán online), nâng cao trải nghiệm của khách hàng qua kênh này. Kèm với đó là hạn chế, hoặc cắt bỏ các kênh offline để giảm thiểu các chi phí liên quan.

Các chuỗi cửa hàng StarbucksHighland Coffees, và The Coffee House là những cái tên đầu tiên áp dụng chiến lược này. Thậm chí cả Pizza 4P’s trước giờ nói không với shipping cũng đã phải thay đổi chiến lược.

5. QUẢN TRỊ DÒNG TIỀN 

➤ Tiền mặt là vua

Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn Nexttech, có một nguyên tắc bất biến trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào từ trước nay: “Tiền mặt là vua, các hàng hóa khác đều bắt đầu giảm ý nghĩa và giá trị khi khủng hoảng ập tới.”

Trong khủng hoảng, các doanh nghiệp cần nắm giữ tiền mặt để có thể dễ dàng ứng phó khi các tình huống bất ngờ xảy tới, tránh những xáo trộn do không kịp chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để chi trả cho những nhu cầu cấp bách.

Lời khuyên cho các doanh nghiệp bao gồm: mạnh mẽ cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm nhu cầu thuê mặt bằng, đàm phải trì hoãn các khoản nợ phải trả, tích cực thu hồi các khoản phải thu càng nhanh càng tốt, tìm cách giảm hàng tồn kho, hay bán các tài sản không cần thiết để thu tiền mặt.

6. VẬN HÀNH TỔ CHỨC 

➤ Làm việc tại nhà, chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh toàn bộ nhân viên bắt buộc phải làm việc từ xa, công ty cần ngay lập tức điều chỉnh lại các quy trình và công cụ làm việc để đảm bảo hiệu quả công việc.

Việc điều chỉnh này bao gồm áp dụng các công cụ giao tiếp và quản trị công việc mới, thống nhất lại quy trình làm việc và kiểm soát hiệu quả công việc, cũng như xây dựng văn hóa làm việc từ xa cho toàn thể nhân viên.

Bối cảnh này cũng là yếu tố khách quan thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thành công trong việc chuyển đổi số, hiệu quả công việc không những được đảm bảo, mà thậm chí còn tăng cao, đem lại nhiều tiềm năng phát triển mới sau này.

➤ Linh hoạt về vai trò làm việc của nhân viên

Việc thay đổi chiến lược sản phẩm, kinh doanh cũng kéo theo sự thay đổi về vai trò làm việc của đội ngũ nhân sự.

Nếu doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động kinh doanh để giảm chi phí, thì có thể linh hoạt điều phối những nhân viên rảnh rang sang thực hiện những công việc khác cấp thiết hơn, như là online sales, hay ship hàng,…

Nếu bắt buộc phải giảm chi phí cho nhân sự, có thể áp dụng chính sách làm việc luân phiên hoặc giảm lương (từ đội ngũ lãnh đạo trở xuống). Một điều các doanh nghiệp nên lưu ý, đó là tài sản quý nhất luôn là con người, và việc cắt giảm nhân sự nên là lựa chọn cuối cùng khi doanh nghiệp không còn phương án nào khác.

7. CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI 

➤ Lên chiến lược, chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn sau dịch

Sau thời kỳ hỗn loạn này, thị trường mà bạn đối mặt chắc chắn sẽ rất khác: có những cái tên sẽ biến mất, khách hàng có thói quen tiêu dùng mới, thậm chí là có cả những sản phẩm và mô hình kinh doanh mới.

Đã hạn chế bớt các hoạt động kinh doanh rồi, thì việc của bạn trong khoảng thời gian “ém binh” này là vạch chiến lược và “nuôi quân” cho thời kỳ sau dịch bệnh. Tự hỏi xem thị hiếu của khách hàng sẽ thay đổi như thế nào, điều gì sẽ trở thành xu thế, và đầu tư nguồn lực cho doanh nghiệp mình để đón đầu xu thế đó.

Đi kèm với suy thoái luôn luôn là những cơ hội ngàn vàng cho những người tiên phong. Sự bùng nổ của dịch SARS năm 2002 đã mở đầu cho sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử Trung Quốc. Với Việt Nam, một viễn cảnh tương tự cũng có thể xảy ra khi các hoạt động của người dân đang được đẩy lên các kênh online nhiều hơn bao giờ hết. Và chuyển đổi số cũng chắc chắn sẽ là xu hướng và yêu cầu tất yếu trong tương lai nếu các doanh nghiệp không muốn bị bỏ lại phía sau cuộc chơi.

Thật khó để dự đoán chính xác và đầy đủ những gì sẽ xảy ra, nhưng trong thời đại nào cũng luôn có một nguyên lý bất di bất dịch: “Thích nghi được thì sẽ tồn tại, không thích nghi được thì ắt sẽ bị loại trừ”.

theo thinkzone.vn

Bài này đã được đọc 806 lần!