Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Việc làm, kỹ năng xanh không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, năng suất làm việc tăng, mà còn có thu nhập tốt

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu thế của thời đại, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng đó. Vì vậy, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá với Việt Nam.

Xu hướng quốc tế

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết khoảng 100 triệu việc làm có thể được tạo ra trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Kỹ năng xanh (KNX) trở thành chìa khóa giúp lao động trẻ dễ tìm việc hơn.

Theo ILO, KNX bao gồm những kiến thức kỹ thuật, chuyên môn và khả năng cho phép sử dụng hiệu quả các công nghệ và quy trình xanh trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp. Với các kỹ năng này, người lao động (NLĐ) có khả năng sử dụng kiến thức, giá trị và thái độ để đưa ra các quyết định bền vững về môi trường trong công việc và cuộc sống.

Báo cáo KNX toàn cầu năm 2023 do LinkedIn công bố, trong 48 quốc gia được khảo sát đều có NLĐ đang làm công việc xanh hoặc liệt kê ít nhất một KNX trên hồ sơ kinh nghiệm. Nhóm này có cơ hội tìm được việc làm cao hơn 29% so với người không có KNX. Báo cáo cũng cho thấy nhu cầu về KNX trong thị trường lao động đang vượt xa nguồn cung lao động. 

Riêng giai đoạn 2022 – 2023, tỉ lệ nhân tài xanh trong lực lượng lao động tăng trung bình 12,3%, trong khi tỉ lệ tin tuyển dụng đòi hỏi ít nhất một KNX đã tăng gần gấp đôi (khoảng 22,4%). LinkedIn nhận định khi phát triển bền vững đang dần trở thành một tiêu chuẩn, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều hướng đến việc đầu tư vào môi trường – xã hội và quản trị (gọi là ESG), bao gồm cả tuyển dụng nhân sự có KNX.

Lao động trẻ ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững Ảnh: GIANG NAM
Lao động trẻ ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững Ảnh: GIANG NAM

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy – Điều phối viên quốc gia, cho biết Chương trình lao động di cư của ILO tại Việt Nam, khi nói đến việc làm xanh, nhiều lao động trẻ thường nghĩ đến các công việc trong ngành năng lượng tái tạo, kỹ sư, quản lý môi trường, quản lý rác thải… Song, chuyển đổi xanh là một yêu cầu tất yếu ngay cả với các ngành nghề truyền thống. Do đó việc làm, KNX không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, năng suất làm việc, có thu nhập tốt, mà còn gắn an sinh xã hội với NLĐ.

“Trong bối cảnh thế giới bước vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra đồng nghĩa với những thách thức cũng gia tăng khiến cạnh tranh cơ hội việc làm sẽ lớn hơn. Vì vậy, NLĐ Việt Nam, nhất là lực lượng lao động trẻ cần gấp rút trang bị kiến thức căn bản về kinh tế xanh, KNX để tiến tới đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế” – bà Thủy nói.

Doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng dựa trên xu thế và nhu cầu nhân lực hiện đại, khái niệm việc làm xanh ngày nay đã mở rộng hơn rất nhiều so với những định nghĩa cơ bản đã từng được công bố. Bên cạnh đó, KNX là một phần không thể tách rời khi bàn đến việc làm xanh. “Chìa khóa để thúc đẩy phát triển bền vững đến từ bảo đảm đủ nguồn nhân lực sẵn sàng cho những vai trò mới liên quan đến KNX” – bà Hương khẳng định.

Để phát triển bền vững, DN cần xây dựng chiến lược và quản trị nhân tài. Trong đó, đưa tầm nhìn ESG vào phát triển của DN, giúp tăng tính nhận diện thương hiệu và hỗ trợ tuyển dụng, giữ chân nhân tài, nhất là với lực lượng lao động trẻ, bởi họ rất quan tâm đến những giá trị bền vững. Để nắm bắt cơ hội với việc làm xanh, NLĐ cần được liên tục đào tạo nâng cao KNX trong xu thế hiện đại với những ứng dụng của công nghệ mới. NLĐ cũng cần chú ý cải thiện những kỹ năng mềm như khả năng sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài về KNX.

Đi đầu trong việc phát triển KNX và chuyển đổi số, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) đã đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất hiện đại và số hóa trên nhiều lĩnh vực. Một trong những ứng dụng mang lại hiệu quả cao là hệ thống phân công công việc tự động cho từng công nhân (CN). Trên cơ sở kế hoạch sản xuất và kỹ năng của từng CN, hệ thống sẽ tự động hóa quy trình và giờ giấc làm việc để phân bổ công việc phù hợp cho từng người. Nhờ mạnh dạn đầu tư vào KNX, DN này đã tăng 35% hiệu suất lao động.

Lãnh đạo Công ty TNHH Dệt may Trung Quy (tỉnh Long An) cho biết thời gian qua, đơn hàng xuất khẩu vải truyền thống của công ty giảm 30%. Nhưng các đơn hàng xuất khẩu các loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế đã bù đắp được 15%. Hiện DN phát triển 20 loại vải có nguồn gốc hữu cơ để xuất khẩu và sẵn sàng chuyển đổi 100% công suất theo tiêu chí sản xuất xanh, tuần hoàn để phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM), là DN về lĩnh vực cơ khí, thiết kế, gia công và lắp dựng kết cấu thép hạng nặng tại Việt Nam nên việc chuyển đổi số để hướng tới phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Hiện Đại Dũng chủ động số hóa và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp DN nâng cao năng suất lao động, gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế cũng như trong nước. 

nguồn:https://nld.com.vn/thoi-cua-ky-nang-xanh-196240124212412419.htm

Bài này đã được đọc 155 lần!