Bạn sẽ đọc khoảng: 6 phút

Trước dự án xe đạp in 3D bằng carbon Superstrata, nhiều startup do người Việt sáng lập đã nói lời chia tay thị trường dù nhận được nhiều kỳ vọng cũng như nguồn vốn khổng lồ.

Sau gần 3 năm hoạt động, dự án xe đạp in 3D nguyên khối bằng carbon Superstrata chính thức dừng hoạt động. Không chỉ nổi tiếng vì áp dụng công nghệ in 3D hiện đại, Superstrata từng thu hút lượng lớn nhà đầu tư cùng người ủng hộ nhờ danh tiếng của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Sonny Vũ.

Chỉ trong vài tháng chạy chiến dịch gọi vốn cộng đồng trên nền tảng Indiegogo, dự án đã nhận về 7 triệu USD từ hơn 4.000 nhà tài trợ. Ngoài ra, bà Trang chia sẻ bản thân cùng các nhà đầu tư khác cũng thiệt hại khoảng 20 triệu USD từ dự án này.

Thất bại của các startup không hiếm. Thực tế cho thấy vài năm trở lại đây, không ít startup do người Việt sáng lập đã phải chấp nhận dừng cuộc chơi dù trước đó từng huy động được hàng chục triệu USD.

Covid-19 tàn phá

Propzy có lẽ là cái tên gần đây nhất chịu chung số phận với Superstrata. Đây là startup proptech (công nghệ bất động sản) do ông John Lê sáng lập từ năm 2015, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp nền tảng dịch vụ trọn gói với mong muốn giúp người dùng tiếp cận giao dịch nhà đất an toàn, hiệu quả.

Ngày 12/9/2022, Propzy tuyên bố đóng cửa hoạt động. Cách đó vài tháng, Công ty TNHH Dịch vụ Propzy (Propzy Services), một đơn vị thành viên của Propzy Việt Nam, cũng thông báo giải thể và đóng cửa tất cả trung tâm giao dịch.

Trong một email nội bộ gửi tới nhân viên, startup này thừa nhận việc phải kinh doanh trong bối cảnh đại dịch kéo dài cùng nền tài chính toàn cầu bất ổn do xung đột giữa Nga và Ukraine đã phát sinh những khoản lỗ lớn. Trong khi đó, công ty không thể phục hồi do tình trạng giãn cách xã hội liên tục ở Việt Nam.

Propzy nhận được số vốn đầu tư lớn nhất nhì thị trường proptech Việt Nam. Ảnh: Propzy.
Propzy nhận được số vốn đầu tư lớn nhất nhì thị trường proptech Việt Nam. Ảnh: Propzy.

Trước đó, tháng 9/2021, thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, startup này quyết định sa thải 50% nhân sự và đã phải trải qua một đợt tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Một năm trước đó, Propzy có khoảng 1.200 nhân sự và hơn 30 trung tâm giao dịch.

Môi trường kinh doanh bất định khiến hoạt động gọi vốn ngày càng khó khăn. Đối với một startup vẫn còn trong giai đoạn đốt tiền để mở rộng như Propzy, việc dòng vốn bị đóng băng được đánh giá là “nhát dao cuối cùng” kết liễu công ty khởi nghiệp non trẻ.

Theo Tech in Asia, Propzy đã kêu gọi thành công 30 triệu USD vốn đầu tư trong suốt quá trình hoạt động. Đây được coi là tổng số vốn đầu tư lớn nhất nhì thị trường proptech Việt Nam từ trước đến nay.

Trước Propzy, ông John Lê đã là tên tuổi lớn trong lĩnh vực startup fintech tại Mỹ với những dự án nổi bật như LoanTrader hay Portelles. Tổng cộng, cá nhân này đã huy động thành công hơn 35 triệu USD cho các công ty của mình.

Cạn kiệt vốn

Tương tự Propzy, startup WeFit của Công ty CP Công nghệ Onaclover – WeWow cũng phải dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh từ tháng 5/2020 do cạn kiệt vốn. WeWow (WeFit và WeJoy) là ứng dụng di động cho phép người dùng có thể đặt lịch đi tập, đi làm đẹp và chăm sóc sức khỏe ở trên 800 phòng tập và 500 spa tại Hà Nội và TP.HCM.

Cuối năm 2019, WeFit từng bị nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và tuyên bố ngừng hợp tác. Đến tháng 3/2020, WeFit khiến nhiều khách hàng bức xúc sau khi thông báo thay đổi chính sách sử dụng, sau đó đã phải gửi thư xin lỗi khách hàng.

Startup này chia sẻ dịch Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh và tài chính gặp trục trặc.

WeFit từng được ví là Uber trong lĩnh vực tập luyện. Ảnh: WeFit.
WeFit từng được ví là Uber trong lĩnh vực tập luyện. Ảnh: WeFit.

WeFit được Nguyễn Khôi thành lập vào tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành fitness Việt Nam. Tuy nhiên, vào ngày 2/2, sau những lùm xùm về hoạt động kinh doanh và vấn đề tài chính, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng đã thay Nguyễn Khôi giữ chức Tổng giám đốc.

Nguyễn Khôi (sinh năm 1991) từng học ngành Kỹ sư máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ). Ông từng có thời gian làm việc tại Microsoft trước khi về Việt Nam khởi nghiệp.

Trong quá trình hoạt động, WeFit đã được quỹ CyberAgent Capital của Shark Dũng, KBInvest của Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác rót 1 triệu USD. Trước đó, startup này nhận được 155.000 USD trong vòng gọi vốn do quỹ ESP Capital dẫn đầu.

Áp lực từ nguồn vốn đầu tư

The KAfe cũng là một startup triệu USD khác phải đóng cửa sau thời gian ngắn ngủi tăng trưởng nóng nhờ nguồn tiền huy động được từ các nhà đầu tư. Người đứng sau dự án này là Đào Chi Anh (sinh năm 1984), cũng là một cá nhân nổi bật trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam.

KAfe Group ra đời vào năm 2013 và nhanh chóng trở thành chuỗi nhà hàng cà phê tiên phong trong việc mang đến những món ăn mới lạ, lai Âu Á với 4 thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Đầu năm 2015, The KAfe ký hợp đồng hợp tác chiến lược với quỹ đầu tư Hongkong New Asia Partners. Theo đó, quỹ sẽ sở hữu ít nhất 40% vốn của The KAfe, đồng thời giúp doanh nghiệp này phát triển thương hiệu, mở thêm nhà hàng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2015-2016.

Thương hiệu The KAfe biến mất sau khoảng 3 năm phát triển. Ảnh: The KAfe.
Thương hiệu The KAfe biến mất sau khoảng 3 năm phát triển. Ảnh: The KAfe.

Nửa năm sau, The KAfe tiếp tục được quỹ Cassia Investments – một quỹ góp vốn tư nhân tập trung vào ngành tiêu dùng ở thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc – rót 5,5 triệu USD. Tại thời điểm đó, KAfe Group cho biết khoản đầu tư này sẽ phục vụ kế hoạch mở rộng The KAfe trên toàn Việt Nam, dự kiến nâng tổng số nhà hàng trên cả nước lên con số 26 vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, The KAfe liên tiếp vướng vào lùm xùm liên quan đến việc bị hai đối tác tố cáo chiếm dụng vốn kinh doanh, không chịu thanh toán nợ. Số tiền nợ được đại diện chuỗi công bố là khoảng 3 tỷ đồng.

Kế hoạch sở hữu 26 cửa hàng vào năm 2016 cũng thất bại khi doanh nghiệp đã phải cắt giảm từ 16 cửa hàng trong năm 2015 xuống còn 14 cửa hàng tính đến tháng 9/2016.

Bà Đào Chi Anh không lâu sau đó cũng nói lời tạm biệt vị trí CEO KAfe Group với lý do không tìm được tiếng nói chung với HĐQT về hướng phát triển của KAfe Group. Quyền điều hành sau đó được nhường sang phía nhà đầu tư nước ngoài.

Dẫu vậy vào đầu năm 2017, The KAfe đóng cửa hàng loạt chi nhánh sau thời gian ngắn ngủi vào tay chủ mới, đánh dấu sự tan rã của một startup từng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.

Năm 2019, Đào Chi Anh bất ngờ công bố chiến dịch “mang The KAfe trở lại” trên nền tảng gọi vốn cộng đồng GoFundMe. Tuy nhiên, sau một tháng, chiến dịch này chỉ thu về hơn 2.200 USD, tương đương 1% mục tiêu ban đầu đầu là huy động 200.000 USD từ cộng đồng.

nguồn: zingnews

Bài này đã được đọc 642 lần!