Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Giới doanh nhân chia sẻ với nhau về nghệ thuật quản trị doanh nghiệp: Tam trị. Vậy tam trị là gì? Và ứng dụng như thế nào vào doanh nghiệp?

1. Tinh hoa tam trị trong quản trị doanh nghiệp là gì?

Từ xưa, tam trị được hiểu là tư duy trị quốc bao gồm: nhân trị (lấy nhân nghĩa làm gốc) – pháp trị (lấy nguyên tắc, luật lệ làm gốc) – kỹ trị (lấy khoa học kỹ thuật làm gốc).

Không có một chứng minh nào chỉ ra trường phái lãnh đạo nào là tuyệt đối đúng hay sai tuyệt đối, chỉ có phù hợp và không phù hợp giống như việc có người ủng hộ Lưu Bị, Tào Tháo lại có người ủng hộ Tôn Quyền. Ví dụ, một số quốc gia coi pháp trị là “Cai trị bằng pháp luật” (Rule by law), theo đó pháp luật được xem là công cụ cai trị (quản lý) xã hội (của giới cầm quyền) thông qua nhà nước, mà điển hình là Đức Quốc xã.

Cả 3 quan điểm nhân trị, pháp trị, kỹ trị đều có những đóng góp nhất định vào từng giai đoạn khác nhau trong lịch sử. Chúng góp phần tạo nên những sự thay đổi tương quan ngoạn mục giữa các quốc gia. Chúng vừa dựng lên những triều đại hùng cường và nhưng cũng thiêu rụi không ít đế quốc khổng lồ khác.

2. Quản trị doanh nghiệp hiệu quả dựa vào nhân trị, pháp trị hay kỹ trị?

a. Nghệ thuật quản trị doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Thế giới di động

Tại sự kiện “Tinh hoa tam trị” được tổ chức tại Hà Nội, TGĐ của Thế giới di động đã chia sẻ rất nhiều về nghệ thuật/ phương châm quản trị doanh nghiệp của mình.

Theo anh Nguyễn Đức Tài – chủ tịch HĐQT Thế giới di động, vào năm 2004, khi doanh nghiệp mới thành lập thì ban lãnh đạo công ty sử dụng pháp trị là chủ yếu. Cụ thể, để chuẩn hóa trong vận hành thuở sơ khai, Thế giới di động đưa ra các quy trình, các hướng dẫn, các quy định, nội quy để nhân viên tuân thủ. Phong cách quản lý lúc đó được ông Tài tóm gọn lại là “rất nhiều quy định” và “cứ làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt”.

Nhưng đến năm 2009, nhân sự Thế giới di động chia làm 2 phe rõ rệt: Một phe luôn trăn trở làm sao để doanh nghiệp này phát triển, một phe chỉ mưu cầu làm việc tử tế để cuối tháng nhận lương.

Là người đứng đầu doanh nghiệp, ông Tài cần phải làm gì để thay đổi tình trạng trên?

Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cho rằng không cần thiết phải đi học nhiều, hay cần phải tách bạch chuyện dùng phương thức gì, chỉ cần mọi thứ xuất phát từ tâm.

Một phong cách pháp trị từ tâm sẽ khác với một phong cách pháp trị giới hạn không được đi toilet 2 lần trong một ca làm việc. Một phương thức Nhân trị từ tâm sẽ đưa ra những chính sách đãi ngộ từ tâm, chứ không phải đưa ra những “chiêu trò”, “kỹ thuật” để giữ người.

Và cuối cùng “Chỉ có nhân trị mới giúp xây dựng được một đội ngũ đoàn kết yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau để làm được việc lớn”, ông Tài đúc kết.

Tuy nhiên, có một luồng ý kiến khác cho rằng, tư duy quản trị phụ thuộc vào cấp bậc của người lãnh đạo.

  • Vị trí Chủ tịch HĐQT: phải là người giỏi về nhân trị vì họ là người chèo lái cạnh tranh trên tầm chiến lược 10 – 20 năm, nên họ phải nhìn xu hướng thị trường cũng như của các đối thủ khác để đưa ra chiến lược cạnh tranh phù hợp.
  • Vị trí Giám đốc điều hành: phải là người giỏi về pháp trị vì họ là người đưa đường dẫn lối, thực hiện chủ trương theo con đường đã định. Giám đốc điều hành được ví như người thuyền trưởng, chỉ huy toàn bộ thủy thủ đoàn nên cần có quy tắc tiền định chứ không phải đợi đến lúc có việc mới đi hỏi nhau: làm thế nào, xử lý ra sao?…
  • Vị trí phụ trách chuyên môn: phải là người am hiểu kỹ trị vì họ phải đảm bảo bộ phận của họ hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, và có hiệu quả nhất, mà muốn như vậy, thì các kiến thức chuyên môn cần được đề cao, vì hoạt động chuyên môn, phải dựa vào nền tảng là kiến thức chuyên môn, và nguyên tắc của chuyên môn, chính là kỹ trị.

b. Vậy quản trị doanh nghiệp nên dựa vào nhân trị, pháp trị hay tam trị?

Có quan điểm cho rằng: tình cảm là mối dây liên kết đầu tiên để tập hợp nhân tài, quy tụ những đồng nghiệp có cùng chí hướng, mục tiêu và cũng là thứ để giữ chân họ cống hiến lâu dài. Nhưng nếu chỉ có tình cảm thì lại chưa đủ bởi tình cảm sẽ dẫn đến sự bất công trong quản trị và làm trì trệ bộ máy điều hành. Như vậy, chính nhân trị lại làm doanh nghiệp đứng bên bờ vực sụp đổ.

Ngày nay, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào 2 yếu tố nhân trị và pháp trị bởi sức mạnh của công nghệ (kỹ trị) không thể không nhắc đến. Rất nhiều doanh nghiệp đã biết cách vận dụng khoa học kỹ thuật vào quản trị, điều hành, xây dựng nên những quy trình, tiến trình khuôn mẫu để vận dụng vào doanh nghiệp, mà điển hình đó là sử dụng các hệ thống quản lý doanh nghiệp hay phần mềm erp, phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Đầu tiên, là việc quy chuẩn lại các quy trình, biểu mẫu làm việc; tinh giản bộ máy làm việc nhằm tối ưu hóa mỗi phòng ban và mỗi nhân viên có cơ hội để phát huy tối đa năng lực của mình. Sau đó là đo lường, đánh giá thông qua các báo cáo, số liệu thể hiện trên hệ thống quản lý doanh nghiệp ( phần mềm erp, phần mềm quản trị doanh nghiệp) để hạn chế được sự cảm tính hay cứng nhắc trong điều hành và làm căn cứ để mở rộng và tăng trưởng doanh nghiệp về sau.

Tóm lại, để phát triển thành công, doanh nghiệp nên coi nhân trị làm gốc nhưng đồng thời không được phép bỏ qua pháp trị và kỹ trị bởi suy cho cùng người chăm sóc khách hàng, người mang lại thành công cho doanh nghiệp là hàng chục ngàn nhân viên, quản lý chứ không phải Giám đốc hay Chủ tịch HĐQT.

nguồn: Amis.vn/Cafebiz

Bài này đã được đọc 853 lần!