Bạn sẽ đọc khoảng: 12 phút

 I. Khái niệm, đặc điểm, ưu và nhược điểm của Hợp đồng tương lai

  1. Khái niệm

Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với giá được xác định trước.

Như vậy, khi tham gia vào hợp đồng tương lai, bên mua và bên bán đều được biết trước về:

+ Loại hàng hóa (tài sản) sẽ mua – bán là gì;

+ Khối lượng hàng hóa (tài sản) sẽ mua – bán là bao nhiêu;

+ Thời điểm diễn ra giao dịch đó;

+ Giá giao dịch.

2. Đặc điểm của hợp đồng tương lai

a) Tính chuẩn hóa

Hợp đồng tương lai là một công cụ được niêm yết và giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán phái sinh. Vì vậy, các điều khoản của hợp đồng đều được chuẩn hóa. Cụ thể, sở giao dịch nơi niêm yết hợp đồng tương lai sẽ quy định cụ thể các nội dung chi tiết của một hợp đồng, như: loại và chất lượng tài sản cơ sở, quy mô của hợp đồng (số lượng tài sản cơ sở giao dịch tương ứng với một hợp đồng), cách thức giao – nhận cũng như thanh toán giữa hai bên khi hợp đồng đáo hạn…

b) Tính chất cam kết về việc thực hiện nghĩa vụ trong tương lai

Khi tham gia vào một giao dịch hợp đồng tương lai, cả hai bên giữ vị thế mua và bán của hợp đồng đều bị ràng buộc bởi những quyền và nghĩa vụ nhất định. Cụ thể, khi hợp đồng tương lai đáo hạn, bên bán của hợp đồng có nghĩa vụ giao một khối lượng tài sản cơ sở xác định cho bên mua và có quyền được nhận tiền từ bên mua. Ngược lại, bên mua của hợp đồng có nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng và có quyền nhận tài sản chuyển giao từ bên bán.

c) Các bên tham gia giao dịch hợp đồng tương lai phải đáp ứng yêu cầu ký quỹ

Trên thị trường hợp đồng tương lai, ký quỹ là biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ mang tính bắt buộc theo hợp đồng đối với cả bên mua và bên bán khi hợp đồng được thanh toán. Nhà đầu tư tham gia thị trường này phải đáp ứng các yêu cầu về ký quỹ do sở giao dịch và trung tâm thanh toán bù trừ quy định cụ thể cho từng loại hợp đồng tương lai.

3. Ưu và nhược điểm của hợp đồng tương lai

a) Ưu điểm:

– Phòng ngừa rủi ro

Hợp đồng tương lai đem lại cho những người muốn quản lý rủi ro biến động giá cơ hội chuyển rủi ro đó sang cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro với hy vọng không ngừng gia tăng lợi nhuận – Quá trình chuyển rủi ro này được gọi là phòng ngừa rủi ro. Trên thực tế, việc phòng ngừa rủi ro được thực hiện bằng cách bù trừ rủi ro về giá hiện hữu trên thị trường giao ngay thông qua việc giữ một vị thế trái ngược nhưng có giá trị tương đương trên thị trường hợp đồng tương lai. Bằng cách này, người phòng ngừa rủi ro sẽ cố định được mức giá hay là mức lãi suất mà họ có thể chấp nhận được và hạn chế, thậm chí loại bỏ, những thiệt hại do biến động bất lợi của giá gây ra.

– Tính thanh khoản cao

Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết và được chuẩn hóa. Căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng, những người tham gia vào thị trường hợp đồng tương lai đều biết được trước một cách rõ ràng họ có thể (hoặc sẽ) mua – bán cái gì, vào thời điểm nào trong tương lai và giao dịch đó được thực hiện như thế nào. Với tính chất nhất quán của sản phẩm, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường có thể mở và đóng vị thế khi cần một cách dễ dàng. Điều này làm cho thị trường hợp đồng tương lai có tính thanh khoản rất cao, và biến hợp đồng tương lai thành công cụ thuận lợi cho các nhà đầu tư sử dụng vào những mục đích khác nhau.

– Đòn bẩy tài chính

Khi tham gia thị trường hợp đồng tương lai nhà đầu tư có khả năng thu được những khoản lợi nhuận hết sức ấn tượng chỉ với một số tiền đầu tư ban đầu rất nhỏ (so với việc đầu tư trên thị trường tài sản cơ sở). Một nhà đầu tư muốn mua hay bán hợp đồng tương lai chỉ cần đáp ứng yêu cầu ký quỹ với tính chất là khoản cam kết tài chính đảm bảo thực hiện hợp đồng. Khi dự đoán của nhà đầu tư về biến động giá của tài sản cơ sở trở thành hiện thực, nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận từ vị thế hợp đồng tương lai mà mình nắm giữ. Do hiệu ứng đòn bẩy của khoản tiền ký quỹ, mức sinh lời trên thị trường này thường cao hơn nhiều so với mức sinh lời trên thị trường tài sản cơ sở.

b) Nhược điểm :

– Phòng ngừa rủi ro làm giảm tiềm năng gia tăng lợi nhuận

Khi sử dụng hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro cho một vị thế đối với tài sản cơ sở, nhà đầu tư có thể giảm được những thiệt hại hay thua lỗ có thể xảy ra với vị thế cơ sở của mình khi giá trên thị trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Kết quả này có được nhờ sự đối lập giữa vị thế tài sản cơ sở và vị thế hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư nắm giữ đồng thời khiến cho lãi/lỗ phát sinh từ hai vị thế này bù trừ (và có thể triệt tiêu) lẫn nhau.

Tuy nhiên, khi thị trường diễn biến theo xu hướng có lợi, nhà đầu tư sử dụng hợp đồng tương lai không có khả năng tận dụng biến động có lợi đó để gia tăng lợi nhuận hay thu nhập cho mình do hiện tượng bù trừ (lãi/lỗ) giữa các vị thế đối lập vẫn tiếp tục diễn ra. Đây là một điểm hạn chế của việc sử dụng hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro.

– Rủi ro của hiệu ứng đòn bẩy

Đòn bẩy tài chính là một trong những đặc điểm nổi bật tạo nên sức hấp dẫn cho hợp đồng tương lai nói riêng và nhiều loại chứng khoán phái sinh nói chung. Tuy nhiên, hiệu ứng đòn bẩy sẽ chỉ tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng trong thực tế nếu dự báo (hay kỳ vọng) của người sử dụng hợp đồng tương lai về chiều hướng biến động giá tài sản cơ sở trở thành hiện thực. Trong trường hợp sự thay đổi về giá tài sản cơ sở trên thị trường không đúng với dự đoán làm căn cứ cho giao dịch hợp đồng tương lai ban đầu, thua lỗ sẽ xảy ra và do tác động đòn bẩy, mức độ thua lỗ tính theo tỷ lệ phần trăm trên “số vốn đầu tư ban đầu” sẽ lớn hơn rất nhiều (so với đầu tư trên thị trường giao ngay).

– Yêu cầu ký quỹ bổ sung

Như ta đã biết cơ chế thanh toán hợp đồng tương lai là thanh toán hàng ngày, các khoản lãi, lỗ phát sinh từ hợp đồng tương lai được hiện thực hóa hàng ngày và phản ánh ngay trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ bổ sung ngay khi số tiền trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư xuống bằng hoặc thấp hơn mức ký quỹ duy trì. Điều này đòi hỏi khi tham gia vào thị trường hợp đồng tương lai nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị nhất định về năng lực tài chính, bởi nếu không thực hiện ký quỹ bổ sung kịp thời khi có yêu cầu thì vị thế của nhà đầu tư trên thị trường hợp đồng tương lai sẽ bị đóng lại, gây thua lỗ và có thể dẫn nhà đầu tư tới việc phá sản.

II. Các loại hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai thường được phân loại căn cứ vào tài sản làm cơ sở cho hợp đồng. Vì vậy, có thể nêu ra 5 nhóm hợp đồng tương lai thường thấy trên các thị trường chứng khoán phái sinh, bao gồm:

1. Hợp đồng tương lai hàng hóa cơ bản

Hàng hóa cơ bản ở đây bao gồm các loại nông sản, kim loại và năng lượng. Hợp đồng tương lai nông sản có thể được lập cho các loại ngũ cốc, bột, dầu, gia súc, thịt gia súc, gỗ, bông, cà phê, ca cao…Nhóm các sản phẩm kim loại gồm vàng, bạc, nhôm, platinum, palladium, chì, nickel, thiếc, kẽm và đồng. Nhóm sản phẩm năng lượng chủ yếu gồm dầu nóng, dầu thô, khí thiên nhiên, xăng không chì, than, propane và điện. Thông thường, các hợp đồng tương lai đối với hàng hóa cơ bản đều được áp dụng phương thức chuyển giao vật chất khi đáo hạn.

2. Hợp đồng tương lai tiền tệ

Hàng hóa cơ sở cho loại hợp đồng tương lai này rất đa dạng: đồng bảng Anh, đồng yên Nhật, đồng đôla Canada, đồng real Brazil, đồng đôla Úc, đồng franc Thụy Sỹ, đồng Euro…Hợp đồng tương lai tiền tệ có thể giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro hoặc tìm kiếm lợi nhuận từ những biến động của tỷ giá hối đoái.

3. Hợp đồng tương lai lãi suất và hợp đồng tương lai trái phiếu

Hợp đồng tương lai lãi suất là loại chứng khoán phái sinh có thể được sử dụng để đối phó với những biến động của lãi suất ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) trong khi hợp đồng tương lai trái phiếu thường gắn liền với thị trường công cụ nợ kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Theo đó, ở hợp đồng tương lai lãi suất, tài sản/ công cụ cơ sở thường thấy bao gồm tín phiếu kho bạc, các khoản tiền gửi (ví dụ: tiền gửi bằng đồng đôla Mỹ ở các thị trường ngoài nước Mỹ)…. Với hợp đồng tương lai trái phiếu, tài sản cơ sở của hợp đồng thường là trái phiếu chính phủ (có thể được lựa chọn với những thời hạn trái phiếu khác nhau).

4. Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu

Tài sản cơ sở của loại hợp đồng tương lai này là một chỉ số cổ phiếu nhất định. Các chỉ số cổ phiếu được chọn có thể là chỉ số chung toàn thị trường, chỉ số ngành hay chỉ số được tính từ một nhóm/rổ cổ phiếu nào đó. Các hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu được thanh toán bằng tiền khi đáo hạn, tức là không diễn ra sự chuyển giao danh mục cổ phiếu cấu thành chỉ số cơ sở giữa các bên tham gia hợp đồng.

5. Hợp đồng tương lai cổ phiếu

Đây là nhóm hợp đồng tương lai xây dựng cho các cổ phiếu riêng lẻ. Cổ phiếu cơ sở của hợp đồng là những cổ phiếu được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán và thường đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, đặc biệt là về tính thanh khoản trên thị trường.

III. Các đối tượng tham gia thị trường hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai là chứng khoán phái sinh được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán. Tham gia vào thị trường này có nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có thể kể đến Sở giao dịch, Trung tâm thanh toán bù trừ, các tổ chức trung gian và nhà đầu tư.

Sở giao dịch chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động giao dịch trên thị trường và đảm nhiệm những vai trò quan trọng, trong đó bao gồm:

(i) Cung cấp và đảm bảo duy trì sự hoạt động liên tục của hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các giao dịch;

(ii) Nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm hợp đồng tương lai mới;

(iii) Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, minh bạch, công bằng và có trật tự thông qua việc ban hành các quy chế, quy định cụ thể;

(iv) Cung cấp thông tin giao dịch trên thị trường.

Trung tâm thanh toán bù trừ có vai trò hết sức quan trọng trong khâu xử lý hậu giao dịch. Trung tâm thanh toán bù trừ đảm nhiệm vai trò là người bán đối với bên mua và người mua đối với bên bán trong các giao dịch hợp đồng tương lai. Theo đó, rủi ro đối tác trên thị trường này được kiểm soát và giảm thiểu một cách hiệu quả. Với tư cách là một định chế tài chính lớn, thông qua những quy chế, quy định cụ thể về cơ chế tổ chức và triển khai hoạt động thanh toán, bù trừ cũng như những biện pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện cam kết mang tính nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, sự hiện diện của trung tâm thanh toán bù trừ làm tăng tính an toàn và tin cậy trên thị trường hợp đồng tương lai.

Tổ chức trung gian, điển hình là các công ty chứng khoán, đóng vai trò cầu nối cho người mua và người bán tiến hành các giao dịch hợp đồng tương lai. Họ có thể chỉ đơn giản là những người thực hiện các lệnh mua, lệnh bán hợp đồng tương lai cho khách hàng (tức là cung cấp dịch vụ môi giới), hoặc cũng có thể tham gia giao dịch cho chính công ty (trường hợp giao dịch tự doanh). Ngoài ra, tổ chức trung gian cũng có thể đưa ra ý kiến và các sản phẩm tư vấn nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về chứng khoán phái sinh cũng như lựa chọn được công cụ hay chiến lược phù hợp. Nhìn chung, để tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường CKPS nói chung, thị trường hợp đồng tương lai nói riêng, các tổ chức trung gian và người hành nghề có liên quan phải đáp ứng được những điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, tài chính, kiến thức chuyên môn, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp…

Người sử dụng hợp đồng tương lai có thể là các cá nhân hoặc tổ chức. Họ là đối tượng mua hoặc bán hợp đồng tương lai phục vụ các mục đích đầu cơ hay phòng ngừa rủi ro của mình. Những tổ chức và cá nhân này không thể trực tiếp tham gia mà phải thông qua các tổ chức trung gian đóng vai trò người môi giới để thực hiện hoạt động giao dịch trên thị trường. Sở giao dịch và trung tâm thanh toán bù trừ có thể sẽ đưa ra những quy định, yêu cầu nhất định đối với những cá nhân hoặc tổ chức này khi họ đầu tư, mua – bán trên thị trường hợp đồng tương lai.

IV. Ký quỹ và cơ chế điều chỉnh giá hàng ngày trên thị trường hợp đồng tương lai

1. Ký quỹ và tài khoản ký quỹ

Khi giữ vị thế mua (hay bán) hợp đồng tương lai, nhà đầu tư tham gia vào một thỏa thuận mua (hoặc bán) tài sản cơ sở với giá xác định tại thời điểm nhất định trong tương lai. Đây là một cam kết có tính chắc chắn, tức là nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết này khi hợp đồng đáo hạn.

Ký quỹ là khoản đảm bảo về tài chính cho việc thực hiện nghĩa vụ trên của các bên tham gia trong hợp đồng tương lai. Thông thường, sở giao dịch nơi niêm yết hợp đồng tương lai và trung tâm thanh toán bù trừ sẽ cùng phối hợp để xác định và tính toán mức ký quỹ cho các nhà đầu tư.

Tài khoản ký quỹ phải được lập trước khi một giao dịch hợp đồng tương lai có thể được diễn ra. Nhà đầu tư mở tài khoản ký quỹ tại công ty chứng khoán; đến lượt mình, công ty chứng khoán có tài khoản ký quỹ tại Trung tâm thanh toán bù trừ hoặc tại công ty thành viên của Trung tâm.

Thông thường, có hai loại ký quỹ được yêu cầu đối với nhà đầu tư, bao gồm ký quỹ ban đầu và ký quỹ duy trì:

Ký quỹ ban đầu là số tiền tối thiểu phải có trên tài khoản của nhà đầu tư trước khi họ được phép đặt lệnh mua/ bán hợp đồng tương lai. Mỗi loại hợp đồng tương lai (đối với một tài sản cơ sở cụ thể) có thể được áp dụng một mức ký quỹ khác nhau.

Ký quỹ duy trì là số tiền tối thiểu phải có trên tài khoản của nhà đầu tư trong suốt quá trình duy trì vị thế. Nói cách khác, nhà đầu tư luôn phải đảm bảo số tiền trong tài khoản của mình cao hơn mức ký quỹ duy trì. Trong trường hợp số dư trên tài khoản của nhà đầu tư bằng hoặc thấp hơn mức ký quỹ duy trì, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ bổ sung theo yêu cầu của công ty chứng khoán.

2. Điều chỉnh theo giá thị trường

Quy định về ký quỹ duy trì xuất phát từ thực tế là số tiền trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư không có tính chất bất biến mà sẽ thay đổi hàng ngày do kết quả của quá trình điều chỉnh hợp đồng tương lai theo giá thị trường. Thực chất, đây chính là hoạt động thanh toán hợp đồng tương lai hàng ngày. Qua đó, những khoản lãi/lỗ phát sinh từ mỗi vị thế hợp đồng tương lai cụ thể được tính toán và hiện thực hóa cho các bên tham gia giao dịch theo từng ngày. Căn cứ vào giá thanh toán hợp đồng tương lai được xác định cuối mỗi ngày giao dịch, lãi/ lỗ cho từng vị thế được ghi nhận và phản ánh trên tài khoản ký quỹ theo nguyên tắc: tăng (cộng) thêm tiền trong tình huống có lãi và giảm (trừ) bớt tiền khi phát sinh lỗ. Trường hợp cần thiết, nếu số dư trên tài khoản ký quỹ giảm xuống thấp hơn mức ký quỹ duy trì, công ty chứng khoán sẽ phát lệnh gọi ký quỹ bổ sung từ khách hàng. Hành động này này giúp giảm thiểu nguy cơ mất khả năng thanh toán của các bên tham gia hợp đồng, theo đó làm giảm rủi ro đối tác.

nguồn: UB chứng khoán

Bài này đã được đọc 1016 lần!