Khi thay đổi tư duy trong chuyển giao thế hệ thì doanh nghiệp gia đình sẽ tránh được bẫy “cá nhân hóa” doanh nghiệp, đồng thời có khả năng trở thành những gia tộc doanh nhân.
Khi nhắc tới “doanh nghiệp gia đình”, chúng ta hay tự động gắn liền cả hai khái niệm “doanh nghiệp” và “gia đình” với nhau như một thực thể. Bản sắc của gia đình và doanh nghiệp được gắn chặt với nhau, gia đình là doanh nghiệp và doanh nghiệp là gia đình.
Theo thống kê của bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2020, số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm 96,5% số doanh nghiệp cả nước, đóng góp 40% GDP cả nước. Trong đó, hơn 70% số doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp gia đình. Theo thông tin từ Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp hơn 25% GDP.
Không thể phủ nhận, những doanh nghiệp dẫn đầu, với khối tài sản và tri thức được tích lũy theo năm tháng không chỉ đóng góp vào sự phát triển hiện nay của nền kinh tế, mà còn có thể là bệ phóng tiềm lực để Việt Nam vươn xa trong tương lai.
Tuy nhiên, tại các nước phát triển, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp gia đình thường đạt 55–80%. Điều này đồng nghĩa với việc còn có thể khai phá tiềm năng phát triển của khối doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam về cả chiều rộng và chiều sâu.
“What brought us here won’t bring us there” (tạm dịch: Những gì đã giúp ta đến được hôm nay, chưa chắc giúp ta thành công trong ngày mai). Do đó, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp gia đình đã đạt được quy mô và thành công như hiện nay, cần làm gì để tiếp tục gia tăng năng lực cạnh tranh và phát triển trong môi trường kinh doanh hiện đại?
Chuyển hóa về chất: Tư nhân hóa thay vì cá nhân hóa
Thành công của doanh nghiệp gia đình thường gắn với tên tuổi của những nhà lãnh đạo tài ba trong từng giai đoạn phát triển, đặc biệt giai đoạn khởi nghiệp. Những nhà sáng lập mang trong mình tinh thần doanh nhân, sự nhạy bén với thị trường, làm tốt cả hai vai “chủ sở hữu” và “người quản lý”, để xây dựng doanh nghiệp từ những viên gạch đầu tiên, chuyển từ “không” thành “có”.
Tuy nhiên, để thành công trong bối cảnh hiện nay, phát triển theo hướng bền vững, thế hệ sáng lập các doanh nghiệp gia đình cần xác định ba điểm để doanh nghiệp gia đình phát triển như doanh nghiệp tư nhân, không bị gò bó trong khuôn khổ của người sáng lập.
Thứ nhất, không phải thế mạnh nào của cá nhân người tiền nhiệm cũng có thể công thức hóa trở thành năng lực của doanh nghiệp. Do đó, khi tính đến câu chuyện chuyển giao, người chủ doanh nghiệp cần tách biệt rõ ràng các năng lực cá nhân, đặc biệt là của cá nhân người lãnh đạo và người chủ sở hữu.
Thứ hai, cần có cách thức, lộ trình và những điểm trọng yếu cần chuyển giao cho thế hệ kế cận.
Thứ ba, là tách bạch khía cạnh “doanh nghiệp” và khía cạnh “gia đình” để những tài nguyên của quốc gia mang tên doanh nghiệp gia đình tiếp tục lớn mạnh; đồng thời thế hệ kế tiếp có không gian để phát huy năng lực bản thân trên nền tảng doanh nghiệp gia đình.
Doanh nghiệp gia đình được xem là tài nguyên của quốc gia. Nhưng để phát triển khối tài nguyên này, các doanh nghiệp gia đình cần chuyển hóa từ chất, từ “cá nhân hóa” sang “tư nhân hóa”, để các thế hệ kế nhiệm “kế thừa”, chứ không “thừa kế.”
Doanh nghiệp gia đình với gia tộc doanh nhân – Kế thừa thay vì thừa kế
Khi thay đổi tư duy trong chuyển giao thế hệ thì doanh nghiệp gia đình sẽ tránh được bẫy “cá nhân hóa” doanh nghiệp, đồng thời có khả năng trở thành những gia tộc doanh nhân.
Với văn hóa của người Á Đông, cha mẹ thường có xu hướng giáo dục, uốn nắn con cái theo hệ giá trị của mình. Họ mặc định những thứ mình muốn chuyển giao là những thứ các thế hệ kế tiếp mong muốn nhận được. Và thế hệ kế nghiệp như người làm tiếp việc mình đang làm, theo ý của mình khi mình không còn làm được nữa, và xem đó là trách nhiệm của người kế nhiệm. Tư tưởng này ăn sâu vào nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam dù đã có nhiều doanh nghiệp gia đình được vận hành bởi thế hệ kế tiếp, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào quyết sách của thế hệ sáng lập.
Song, vẫn có những ngoại lệ. Đã có một số bạn trẻ không tìm được tiếng nói chung với cha/sếp mình về cách vận hành, nên tự lập cuộc chơi riêng không liên quan đến hệ sinh thái gia đình. Thành công với mảng kinh doanh mới giúp thế hệ kế nhiệm trở về dưới danh nghĩa một chuyên gia, một đối tác được tôn trọng ngang vai trong kinh doanh.
Điều này cũng làm nảy sinh thế giằng co giữa “doanh nghiệp gia đình” (family business) và “gia tộc doanh nhân” (business family). Cha mẹ có thể để con cái thừa kế cổ phần sở hữu, vị trí lãnh đạo công ty, tài sản hữu hình nhưng những thủ tục hành chính pháp lý này chưa chắc đã tạo được giá trị gia tăng ngay cả chính cho doanh nghiệp và gia đình.
Mặt khác, nếu thế hệ sáng lập có thể chuyển giao những giá trị hữu hình và vô hình, thế hệ sau có thể kế thừa và phát triển ở vai trò phù hợp nhất với chính họ, tốt cho cả doanh nghiệp và gia đình, cho gia tộc họ, thì chúng ta sẽ chứng kiến sự thịnh vượng của các gia tộc doanh nhân, với tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều.
Có thể được hình dung theo câu chuyện một ông bố đã tốn hàng chục năm để xây dựng cơ ngơi 100 đồng và chia cho ba người con, con cả 50 đồng và hai người còn lại mỗi người 25 đồng; như vậy khối tài sản đã bị chia thành ba phần nhỏ, tạo thành những doanh nghiệp, khối tài sản “li ti” mà mất nhiều năm xây dựng được thành doanh nghiệp có khối nguồn lực 100 đồng như trước. Thay vào đó nếu ba người con có thể kế thừa được cơ ngơi 100 đồng và có được phương pháp để tiếp tục phát triển nó, thì gia đình sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong môi trường cạnh tranh mới.
Chuẩn bị cho một tương lai mới – Chủ doanh nghiệp cũng là một nghề
Một khảo sát gần đây của MLR Media thực hiện với các lãnh đạo của doanh nghiệp tư nhân toàn cầu (phần lớn trong số đó là doanh nghiệp gia đình) cho thấy 52% phản hồi rằng ban quản trị chưa có kế hoạch bài bản về việc kế vị, chỉ 30% xem xét kế hoạch kế nhiệm hàng năm.
Hiện nay, có nhiều giải pháp hỗ trợ việc chuyển giao thế hệ như văn phòng gia đình (family office) hay hiến pháp gia đình (family constitution). Việc áp dụng những công cụ này ở Việt Nam sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, song giải pháp lâu bền và mang tính toàn diện nhất là cần có những người làm chủ có tâm và có tầm. Các thế hệ kế nghiệp là hiền tài tri thức có thể đóng góp tích cực không chỉ cho việc kinh doanh của gia đình mà còn cho cộng đồng xung quanh mình, cho cả xã hội.
Thế hệ tiếp theo nên được tiếp cận doanh nghiệp gia đình theo hướng đa chiều, tham gia vào hoạt động kinh doanh, nắm bắt tính chất công việc của các mảng khác nhau. Việc này sẽ giúp các bạn trẻ từng bước tìm thấy đam mê, nhiệt huyết và tình cảm đối với sự nghiệp của gia đình, từ đó kéo gần khoảng cách thế hệ và phát triển năng lực của một người dẫn đường. Tuy nhiên, đặc biệt không nên “đóng đinh” suy nghĩ thế hệ kế thừa là buộc phải cai quản cơ ngơi mà cha mẹ đã dựng lên với cả cương vị là người chủ và nhà quản lý.
Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều trường lớp dạy tư duy làm chủ, mà chỉ đào tạo những chuyên gia và quản lý viên. Các gia đình thường gửi con cái đi du học, mong muốn con sẽ nhận được sự giáo dục tốt nhất, nhưng lại quên rằng môi trường học thuật không thể xây dựng được cho thế hệ kế nhiệm năng lực hay kỹ năng của một nhà lãnh đạo – điều vốn chỉ có thể được bồi đắp qua kinh nghiệm, trải nghiệm và môi trường thực tế.
Ví dụ, một công ty thực phẩm và đồ uống thuộc sở hữu của một gia đình Phần Lan có bề dày hoạt động gần 150 năm, với hơn 80 hậu duệ thế hệ thứ tư, đã triển khai dự án học viên cho thế hệ tiếp nối. Gia đình đã lập học viện riêng nhằm đào tạo về nguồn gốc gia đình, những lĩnh vực kinh doanh, quyền lợi khi là cổ đông, yêu cầu để trở thành thành viên hội đồng quản trị… Điểm đặc biệt, học viện này đào tạo những người chủ mà không nhất thiết phải giữ chức vụ vận hành trong công ty gia đình.
Quá trình chuyển giao là một quy trình tất yếu xảy ra ở mọi doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn quá trẻ khi quốc gia mới chỉ trải qua gần 30 năm phát triển kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân từ thời kỳ Đổi mới. Tuy không thể loại bỏ hoàn toàn tỉ lệ thất bại, nhưng điều kiện thuận lợi của một thế giới phẳng và bài học từ nhiều doanh nghiệp lâu đời trên thế giới sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp gia đình Việt tiếp tục trở thành tài sản và động lực phát triển của quốc gia.
—————————————
theo tạp chí Forbes Việt Nam, số 114, tháng 2.2023
Bài này đã được đọc 340 lần!