Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Đằng sau thành công của TSMC, Samsung và SMIC – ba trong số các công ty chip bán dẫn hàng đầu thế giới – có bàn tay của một vị “phù thủy” đến từ Đài Loan.

Năm 2015, Samsung Electronics khiến thế giới công nghệ chấn động khi tuyên bố họ đã sản xuất được loại chip bán dẫn có chất lượng tương đồng với các sản phẩm hàng đầu thế giới.

Bảy năm sau, đến lượt SMIC – tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc đại lục – khiến các nhà công nghệ ngỡ ngàng với các bước tiến nổi bật.

Cầu nối giữa hai sự kiện này là ông Lương Mạnh Tùng (Liang Mong Song) – kỹ sư huyền thoại trong làng sản xuất chip thế giới, nhưng ít người người ngoài biết đến.

Ông Lương, năm nay 70 tuổi, đang phụ trách hoạt động của SMIC tại Thượng Hải. Ông từng là lãnh đạo bộ phận phát triển chip bán dẫn của Samsung trong thời kỳ công ty này đạt được những bước tiến mạnh mẽ nhất. Trước đó, ông được coi là ngôi sao đứng sau sự phát triển của TSMC – tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới.

Ông được coi là một “phù thủy chip” với “bàn tay ma thuật”, có thể biến một đối thủ đang bị bỏ lại đằng sau thành người chiến thắng. Đồng thời, theo những người quen biết, tính cách ông tương đối cứng đầu và dễ gây ra mâu thuẫn – đây là lý do khiến ông không trụ lại quá lâu ở một doanh nghiệp.

Vị kỹ sư nghiêm khắc

Năm năm trước, ông Lương được SMIC mời về. Công ty này đã thành công trong việc giữ ông ở lại cho đến hôm nay, qua đó đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tiến tới nhóm dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip thế giới.

Ông Liang Mong Song. Ảnh: Sina.

Cuộc đua này có cả sự tham gia của Mỹ. Quốc hội Mỹ hồi tháng 7 đã thông qua dự luật hỗ trợ trực tiếp một khoản tiền trị giá 52,7 tỷ USD để xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất chip ở quốc gia này. Ông Biden dự kiến sẽ ký dự luật vào ngày 9/8.

Công ty theo dõi thị trường công nghiệp TechInsights hồi tháng 7 cho biết SMIC đã sản xuất được chip 7 nm cho một máy đào bitcoin. Con số trên thể hiện khoảng cách giữa các transistor trong chip, và chứng tỏ SMIC đã tiến gần hơn so với TSMC và Samsung – những doanh nghiệp đang đi đầu.

Dù chính phủ Mỹ năm 2020 đã đưa SMIC vào danh sách trừng phạt nhằm ngăn công ty này có được các máy chế tạo sản phẩm bán dẫn tối tân, giới kỹ sư cho biết thành tựu mới nhất của SMIC có thể được thực hiện nhờ các cỗ máy cũ hơn của công ty ASML (Hà Lan).

SMIC không chỉ là một doanh nghiệp hướng đến lợi nhuận thông thường. Họ còn là công cụ để Bắc Kinh xây dựng năng lực công nghệ độc lập với phương Tây. Theo các nguồn thạo tin, ông Lương đang thúc đẩy SMIC đầu tư vào các mẫu thiết kế chip tối tân.

Dù vậy, ông Lương không phải công dân Trung Quốc đại lục, mà đến từ Đài Loan. Theo tiểu sử chính thức, ông đã xuất bản hơn 350 bài báo kỹ thuật. Ông gia nhập TSMC năm 1992 – chỉ vài năm sau khi công ty này được thành lập – và góp phần giúp công ty trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

“Ông ấy là một nhà khoa học và kỹ sư rất tài năng”, ông Richard Thurston, người từng làm việc với ông Lương tại TSMC, nhớ lại. “Ông ấy có trí nhớ tuyệt vời và có phương pháp”.

Năm 2003, TSMC trở thành tâm điểm của giới công nghệ với một phương pháp sử dụng đồng có điện trở thấp để thu gọn kích thước con chip. Trong thông cáo về thành tựu này, tên ông Lương đứng thứ hai – chỉ sau sếp của mình là ông Tưởng Thượng Nghĩa, người mà ông sẽ còn có dịp gặp lại sau này.

Những người từng làm việc với ông Lương mô tả vị kỹ sư này là một người yêu công việc, nghiêm khắc và chú ý đến từng chi tiết. Khi còn ở TSMC, ông được cho đã mang cả con trai đến cơ quan khi phải làm việc vào cuối tuần hoặc ngày lễ.

Ông Lương cho rằng thu gọn kích thước chip là cách tốt nhất để nâng cao hiệu suất. Theo ông, các chuyên gia khác tại TSMC đang dành quá nhiều sự quan tâm cho các dự án khác. Đây là một trong những nhân tố khiến ông nghỉ việc năm 2009.

Hành trình tiếp diễn

Năm 2011, ông Lương đến Samsung. Chỉ trong vài năm, công ty này đã đạt được những bước tiến vượt bậc về mặt công nghệ. Đầu năm 2015, TSMC tuyên bố đã bị Samsung vượt mặt – dù với khoảng cách sít sao – trong cuộc đua sản xuất con chip nhỏ nhất thế giới.

Việc một cựu chuyên gia chuyển sang công ty đối thủ khiến giới lãnh đạo TSMC không hài lòng. Công ty này nộp đơn kiện ông Lương tại Đài Loan với cáo buộc tiết lộ công nghệ độc quyền cho đối thủ và nhận việc làm mới trước khi thời hạn hai năm sau khi kết thúc hợp đồng qua đi.

Từ khi ông Lương chuyển đến, SMIC đã đạt được bước tiến lớn về công nghệ. Ảnh: Reuters.

Tháng 8/2015, tòa án cấp cao nhất tại Đài Loan ra phán quyết có lợi cho TSMC, buộc ông Lương không được làm việc cho Samsung cho đến cuối năm đó. Một đại diện của Samsung cho biết ông Lương rời công ty năm 2015, nhưng không cho biết thêm về vụ kiện.

Năm 2017, ông Lương tới SMIC và đảm nhận cương vị đồng giám đốc điều hành. Các nhà điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn chỉ ra ông Lương đã giúp SMIC gia tăng sản lượng sản xuất và thu hẹp kích thước chip, như điều đã làm với TSMC và Samsung.

Tại đây, ông Lương tiếp tục mâu thuẫn với giới lãnh đạo và các cổ đông, những người muốn hướng đến các loại chip ít tiên tiến hơn nhưng tạo ra nhiều lợi nhuận, thay vì tiếp tục thu nhỏ kích thước. Đỉnh điểm mâu thuẫn là cuối năm 2020, khi ông Lương phàn nàn về việc SMIC đưa ông Tưởng, sếp cũ của ông tại TSMC, về làm phó chủ tịch mà không tham vấn trước.

“Tôi cảm nhận sâu sắc rằng tôi không còn được tôn trọng và tin tưởng, và tôi cảm thấy các ngài không còn cần tôi ở đây để tiếp tục chiến đấu vì tương lai công ty nữa”, ông viết trong lá thư được truyền thông Trung Quốc đăng tải.

Cũng trong bức thư, ông tiết lộ bản thân đang cùng hơn 2.000 kỹ sư phát triển công nghệ chip 7 nm tại SMIC.

Hai năm sau, sản phẩm này đã hoàn thành. Ông Lương vẫn ở lại công ty. Trong khi đó, ông Tưởng đã rời đi.

Bài này đã được đọc 1026 lần!