Bạn sẽ đọc khoảng: 6 phút

Cả người tiêu dùng và các nhà đầu tư đang đưa ra các cầu cao hơn với doanh nghiệp, đặc biệt về cách thức quản trị mối quan hệ với các bên hữu quan, thay vì chỉ chú trọng sản phẩm, dịch vụ.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, giám đốc phát triển doanh nghiệp Dragon Capital Group (Ảnh: BTC).
Ông Phạm Nguyễn Vinh, giám đốc phát triển doanh nghiệp Dragon Capital Group (Ảnh: BTC).

Yêu cầu từ thị trường thúc đẩy doanh nghiệp phải thực hiện tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) dù tự nguyện hay bắt buộc. Đặc biệt với đơn vị cung cấp sản phẩm phục vụ hướng đến lớp tiêu dùng trẻ,” ông Lê Thành Liêm, giám đốc điều hành khối tài chính công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ.

Yếu tố thị trường mà ông Liêm nhắc đến còn bao gồm cả sức ép từ các thị trường nhập khẩu. Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được phép xuất khẩu sữa vào Nga và các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), ông Liêm cho biết, EU quy định sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn về ESG.

“Thế nên trước khi nghĩ đến chi phí đầu tư vào ESG thì phải nghĩ đến đầu ra cho sản phẩm. Bất kì khoản đầu tư nào cũng tốn chi phí, tuy nhiên cần nhìn nhận ESG không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc,” ông Liêm nói.

Theo khảo sát của Deloitte, hơn 80% người tiêu dùng kỳ vọng giám đốc điều hành các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng có nhiều bước tiến hơn nữa trong việc giảm khí thải carbon và nhựa sử dụng một lần. Đây cũng là một trong các hành động tích hợp ESG (ESG integrated).

Không chỉ người tiêu dùng, nhân sự nội bộ các công ty cũng yêu cầu điều này. Theo đó, 45% nhân viên thuộc thế hệ gen Y (được sinh từ năm 1980-1995) cho biết họ sẽ thay đổi công việc nếu công ty không thực hiện các biện pháp kinh doanh bền vững.

Ông Phan Lê Thành Long, tổng giám đốc VIOD (Ảnh: BTC).
Ông Phan Lê Thành Long, tổng giám đốc VIOD (Ảnh: BTC).

“Thực hành ESG tốt cũng được các quỹ nước ngoài chọn làm chỉ tiêu đánh giá khi tính toán phân bổ vốn đầu tư. Họ có ban rà soát ESG. Nếu công ty nào không đạt thì cân nhắc không đầu tư,” ông Phan Lê Thành Long, tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đánh giá.

Trong hơn ba thập niên qua, số lượng luật và chính sách về biến đổi khí hậu được thông qua trên toàn cầu tăng gấp 10 lần. Về khía cạnh các nhà đầu tư, họ đã đưa ra các yêu cầu cao hơn về kế hoạch hành động và tính minh bạch các thông tin ảnh hưởng của khí hậu và ESG đến báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Hơn 500 nhà đầu tư trên toàn cầu với tổng giá trị tài sản đang quản lý lên đến hơn 47.000 tỉ USD đã ký sáng kiến Hành động Khí hậu 100+ (Climate Action 100+) nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp lớn phát thải khí nhà kính phải hành động.

Khoảng 82% quỹ đầu tư xem xét yếu tố ESG khi đánh giá đầu tư (tăng 4% so với năm 2020).

Có thể lấy ví dụ từ Dự án Thẻ điểm Quản trị công ty khu vực ASEAN (ACGS) bắt đầu được thực hiện từ năm 2011. Dự án này là một phần quan trọng trong kế hoạch tổng thể của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF).

Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5) do VIOD và báo Đầu tư đồng tổ chức ngày 9.12, ông Long cho biết, cổ phiếu của những các doanh nghiệp đạt giải thưởng của dự án nêu trên đều có sức thu hút hơn với các nhà đầu tư.

Đồng thời, 234 doanh nghiệp vào danh sách ACGS 2021 được các quỹ ưu tiên rót vốn và kéo theo đó, định giá có thể cao hơn doanh nghiệp cùng ngành.

10 năm tham gia ACGS (2012-2021), Việt Nam ghi nhận sự gia tăng số lượng doanh nghiệp được đánh giá qua từng năm (từ 39 lên 87 công ty năm 2021) nhờ mức độ gia tăng công bố thông tin tiếng Anh.

Hầu hết các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu trong nhóm tài chính, ngân hàng, công nghiệp và hàng tiêu dùng. Tuy vậy con số doanh nghiệp công bố tiếng Anh vẫn chưa đạt mức cần có (100 doanh nghiệp) như kỳ vọng.

Theo kết quả ACGS 2021, Việt Nam có một doanh nghiệp vào danh sách Tài sản đầu tư giá trị của ASEAN là Vinamilk và ba doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có điểm Quản trị công ty tốt nhất trong kỳ đánh giá bao gồm công ty cổ phần Dược Hậu Giang, công ty cổ phần FPT và Vinamilk.

Mô hình phát triển bền vững tích hợp ESG (ESG integration) được nhắc đến như một chương trình hành động quan trọng cho mọi lĩnh vực ngành nghề, mọi loại hình sở hữu bao gồm cả khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Hà Thu Thanh, chủ tịch VIOD và là chủ tịch Deloitte Việt Nam, đánh giá khối doanh nghiệp FDI đã đi nhanh hơn một bước so với khối doanh nghiệp nội địa trong việc theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cùng với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang tạo ra thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt đưa ra chiến lược, chính sách và hành động với ba trụ cột ESG.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, quy định thống nhất khiến doanh nghiệp có thể tìm cách đối phó, chỉ đưa thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng của mình. Vì vậy nhà đầu tư khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì dữ liệu so sánh bị hạn chế trong khi doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc xác định các chỉ số cần theo dõi.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, giám đốc phát triển doanh nghiệp Dragon Capital cho rằng, ESG là chủ đề phức tạp, với nhiều tiêu chuẩn và khung mẫu báo cáo. Với từng trụ cột có nhiều yếu tố nên không thể có chuẩn chung cho các giải pháp và là “mục tiêu di động”, thay đổi theo thời gian, địa lý, quy mô doanh nghiệp…

“Châu Âu đã tiến tới những mục tiêu đầu tư tạo tác động, còn châu Á vẫn chỉ dừng ở mức quản trị rủi ro,” ông Vinh nhận xét.

Theo ông Vinh, tại Việt Nam, không phải thành viên HĐQT nào cũng hiểu về ESG. Hiện nay đã có thông tư hướng dẫn doanh nghiệp công bố thông tin về chỉ số carbon nhưng theo đánh giá của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp công bố chỉ số này.

Ở góc độ quỹ, ông Vinh cho biết khi lựa chọn doanh nghiệp phát triển gắn liền với ESG, xem xét cả về khía cạnh lãnh đạo, mức độ cam kết của đội ngũ và cách thức thực hiện. “Sau khi đầu tư, chúng tôi tiếp tục theo dõi, đặc biệt khi hiện tại họ là công ty bất động sản nhưng ngày mai chuyển sang sang ngành xe hơi, sản xuất… Khi chuyển đổi ngành nghề thì rủi ro, tác động cũng sẽ khác,” ông Vinh chia sẻ.

Cũng nhìn nhận ESG là “mục tiêu di động” đối với doanh nghiệp, ông Liêm cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần xác định các mục tiêu riêng để có kế hoạch đầu tư phù hợp. Bởi nếu đặt mục tiêu quá cao về ESG thì phải dùng nguồn lực lớn và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của doanh nghiệp.

“Hiệu quả hoạt động là yếu tố đầu tiên bất kì lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng phải nghĩ đến trước,” ông Liêm chia sẻ.

Bài này đã được đọc 500 lần!