Người làm marketing giỏi là người đặt mình vào vị trí và tâm thế của người làm chủ doanh nghiệp, nghĩ như người khởi nghiệp đồng thời đội các “mũ” của những phòng ban khác để có thể quản trị sự thay đổi và nắm được câu chuyện của toàn chuỗi giá trị.
Một thập kỷ đầu lập nghiệp khi mà Sunhouse còn chưa có tên tuổi trên thị trường, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) trên cương vị của người làm chủ đã đưa ra những quyết định liên quan đến chiến lược marketing (tiếp thị) mà có lẽ nếu chỉ đứng ở góc độ marketing thì sẽ ít ai làm như vậy.
Một trong số đó là bán toàn bộ sản phẩm với chi phí rẻ để có thể đưa hàng qua các kênh khác nhau, tăng độ nhận diện cho thương hiệu. Nếu chỉ nhìn từ góc độ markting, rõ ràng điều này tốn rất nhiều chi phí. Nhưng từ góc độ của chủ doanh nghiệp là người có một góc nhìn toàn cảnh, thấu hiểu toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và chuỗi giá trị, đó là một quyết định mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt thương hiệu mà còn thúc đẩy hiệu suất của người lao động, giảm chi phí quản lý…
“Trong 10 năm đầu lập nghiệp, người làm marketing giỏi nhất ở Sunhouse chính là anh Phú”, ông Lê Tùng, Giám đốc marketing Tập đoàn Sunhouse khẳng định.
Các lãnh đạo cấp cao giờ đây, bao gồm giám đốc marketing (CMO) đang hướng cho mình trở thành một cố vấn, một cánh tay phải đắc lực của tổng giám đốc. Nhưng để làm được điều đó, những thứ họ làm và tư duy của chính bản thân họ sẽ phải vượt lên vai trò và chức danh vốn có. Như Giáo sư Hermawan Kartajaya, một trong những chuyên gia marketing có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay đã chia sẻ, hãy làm marketing với tinh thần của người làm chủ doanh nghiệp.
“Marketing không đơn thuần là bán hàng, marketing phải có chiến lược, phải tạo ra doanh thu bền vững, thắng trong dài hơi. Marketing là phải tạo sự khác biệt”, vị giáo sư nói trong chương trình Marketing với tinh thần doanh chủ do CSMO tổ chức.
Gia nhập Sunhouse cách đây 8 năm, hiện ông Tùng là Giám đốc Chiến lược của Sunhouse Invest kiêm Giám đốc Marketing (CMO) của Sunhouse mảng gia dụng. Ông là người quản trị tất cả chỉ số liên quan đến từng ngành hàng và thành viên tập đoàn.
“Vai trò và chức danh thì chỉ làm truyền thông quảng cáo, vậy làm sao để tác động được đến PNL (lãi lỗ trong kinh doanh), sản phẩm…Làm thế nào để chủ doanh nghiệp dám giao chuỗi giá trị cho người mới”, ông Tùng đặt vấn đề.
Để marketing có thể tác động được đến hàng nghìn sản phẩm, chuỗi cung ứng… là cả một quá trình 8 năm ông làm và hiểu rõ chuỗi giá trị cũng như tác động của marketing vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Như GS. Hermawan Kartajaya đã nhấn mạnh, người làm marketing cần thấu hiểu chính mình, doanh nghiệp của mình và khách hàng để có thể chứng minh sự khác biệt của thương hiệu trên thị trường. Thứ doanh nghiệp bán là sự khác biệt!
Điều quan trọng là người làm marketing dám làm những thứ mà người khác hoặc chính bản thân họ nghĩ về marketing. Chẳng hạn, làm marketing bằng hàng tồn kho, bằng logistics, bằng tài chính… được ông Tùng cho là những thứ hấp dẫn. Làm marketing cần nghĩ như người khởi nghiệp. Marketing phải tác động đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng ngày, cân bằng yếu tố tư duy dài hạn và ngắn hạn.
Trong số 4 chữ C mà GS. Hermawan Kartajaya đã chia sẻ, vị giám đốc marketing của Sunhouse đặc biệt coi trọng chữ Change (quản trị sự thay đổi), bên cạnh các yếu tố như khách hàng (customer), công ty (company) và đối thủ (competitor).
Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, cần ứng dụng các hình thái marketing hiện nay, kết hợp con người và công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực và quản lý sự thay đổi một cách nhanh nhất, nắm bắt được bức tranh tổng thể và đưa ra các quyết định sáng suốt như một người làm chủ.
“Thị trường không được quyết định bởi công nghệ hay chính trị. Thị trường quyết định bởi văn hóa, xã hội. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen mới là người thắng cuộc”, vị giáo sư đồng tác giả 10 cuốn sách cùng Philip Kotler nói.
Khi khởi nghiệp trong lòng Tập đoàn FPT một thập kỷ trước, đội ngũ FPT Play phải đố mặt với một sự cân não để đưa ra quyết định lựa chọn truyền thống hay chạy thẳng vào công nghệ mới. Bà Tô Nam Phương, Phó tổng giám đốc FPT Play cho biết, thị trường lúc đó chưa biết đến các ứng dụng mới, họ có thể giơ mắc áo bằng nhôm lên cao để bắt được nhiều kênh mà không sẵn sàng trả tiền dù chỉ bằng một bát phở để xem những thứ có bản quyền.
Bộ gen của người FPT sẵn có – chấp nhận sự đổi mới và sẵn sàng đổi mới- đã thúc đẩy họ làm những thứ khác biệt, song song với tận dụng những thế mạnh sẵn có về quản trị sản phẩm và quản trị người dùng. Họ áp dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm cho khách hàng và rồi đẩy thành thông điệp của thương hiệu.
“Bất cứ giai đoạn nào và bất cứ thành viên nào trong doanh nghiệp cũng đều được khuyến khích và chấp nhận sự sáng tạo và thay đổi. Tương lai marketing được quyết định bởi những người trẻ sáng tạo và dám làm”, bà Phương chia sẻ.
Nói về việc làm marketing với tinh thần doanh chủ, GS. Hermawan Kartajaya cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần hợp tác: “Đừng bao giờ tạo ra kẻ thù cho dù ta có ghét họ bao nhiêu đi nữa”, hay “đừng bao giờ ăn trưa một mình vì có thể sẽ mất đi nhiều cơ hội”.
Bài này đã được đọc 680 lần!