Mục lục bài viết
Facebook Shop ra mắt đã dấy lên nhiều dự đoán về định hướng phát triển trong tương lai của gã khổng lồ này, rằng mạng xã hội này sẽ dần trở thành một super app, một “WeChat thứ hai” cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ từ nhắn tin, giải trí, tới mua sắm và thanh toán.
Hãy cùng phân tích mô hình kinh doanh của WeChat và Facebook, qua đó xem rằng hai gã khổng lồ này có những điểm nào giống nhau, và hướng phát triển trong tương lai sẽ thế nào.
VỀ WECHAT
WeChat được ra mắt vào năm 2011 bởi Tencent Holdings, “gã khổng lồ” công nghệ ở Trung Quốc. Khi đó, WeChat chỉ đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin, và dần trở thành một nền tảng đa dịch vụ, nơi mà người dùng có thể giải quyết rất nhiều nhu cầu của mình trong cuộc sống.
Có thể minh họa tính đa dụng của WeChat một cách đơn giản như sau: khi đi du lịch Trung Quốc, bạn chỉ cần sử dụng WeChat cho tất cả các tác vụ sau đây:
➤ Tìm kiếm thông tin về các nhà hàng gần mình
➤ Chia sẻ thông tin đó với bạn bè
➤ Trò chuyện với bạn bè về kế hoạch đi ăn
➤ Đặt bàn tại nhà hàng
➤ Gọi taxi và thanh toán
➤ Tới nhà hàng và chia sẻ vị trí của mình với bạn bè
➤ Chơi game trong lúc đợi bạn bè
➤ Thanh toán cho bữa ăn
➤ Chia sẻ ảnh của bữa ăn trên mạng xã hội
→ Để thực hiện tất cả những hoạt động trên, bạn chỉ cần duy nhất một ứng dụng WeChat trên điện thoại.
Là một nền tảng cung cấp đa dạng loại hình dịch vụ cho cuộc sống, tính đa dụng của WeChat luôn khiến cho người dùng luôn phải “dính” lấy ứng dụng này, và đánh bật mọi đối thủ cạnh tranh. Theo thống kê của Tencent vào năm 2018, 60% người dùng mở ứng dụng này nhiều hơn 10 lần/ngày, và một người dùng trung bình sử dụng WeChat hơn 66 phút mỗi ngày (con số này đối với Facebook là khoảng 50 phút). Và trong quý I năm nay, Monthly Active User của WeChat đã đạt ngưỡng … 1.17 TỈ NGƯỜI!
WECHAT KIẾM TIỀN NHƯ THẾ NÀO? VÀ HƯỚNG ĐI TƯƠNG TỰ CỦA FACEBOOK
Như đã nói ở trên, WeChat mang đến cho người dùng đa dạng loại hình dịch vụ cho những nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, từ nhắn tin, giải trí, tới mua sắm, đặt bàn và thanh toán. Dải dịch vụ này mang lại nhiều nguồn doanh thu khác nhau cho WeChat. Các nguồn doanh thu này có thể được chia thành 3 nguồn chính: value-added services (dịch vụ bổ trợ, như game và sticker), quảng cáo, và các nguồn khác (chủ yếu từ dịch vụ thanh toán).
Nội dung dưới đây phân tích về mô hình kinh doanh của WeChat, và những sản phẩm tương tự của Facebook cho thấy Mark Zuckerberg cũng đang theo đuổi mô hình này.
1. VALUE-ADDED SERVICES
1.1. MOBILE GAME
WeChat Gaming
Mobile game là ngành công nghiệp lớn ở Trung Quốc. Công ty mẹ của WeChat là Tencent vẫn luôn là cái tên thuộc top đầu trong thị trường mobile game ở quốc gia này, nổi tiếng nhất với cộng đồng game thủ Việt Nam qua tựa game Liên quân mobile. Và tất nhiên, Tencent “không quên” phân phối hệ thống game khổng lồ của mình qua WeChat.
Người dùng WeChat có thể chơi nhiều mini game trực tiếp trên app này, giống như chơi mini game trên Messenger vậy. Đến tháng 8/2018, WeChat có khoảng 2,000 game, và cực kỳ phổ biến. Vào Tết nguyên đán 2018, có những thời điểm app này đạt ngưỡng 28 triệu người dùng chơi game chỉ trong 1 giờ đồng hồ.
Qua mini game, WeChat thu tiền từ quảng cáo và in-game purchase, và công ty này công bố tổng giá trị quảng cáo in-game mỗi ngày (in-game ad daily transaction volumes) vào năm 2018 lên tới 10 triệu RMB (Nhân dân tệ), tức khoảng 1.4 triệu USD.
Facebook Gaming
Facebook cũng có hệ thống mini game của mình, nhằm tăng cao trải nghiệm và thời gian sử dụng Messenger của người dùng. Thay vì phải tải game từ các App store hay Play Store, người dùng có thể chơi game trực tiếp qua Messenger mà không cần phải thoát khỏi giao diện Facebook. Năm 2016, khoảng 3% doanh thu của Facebook đến từ Facebook game, thông qua hoạt động thanh toán khi chơi game của Facebook trên máy tính. Ngày nay, con số này giảm mạnh do người dùng ngày càng chuyển hướng từ chơi game trên máy tính sang các mini game trên điện thoại.
1.2. STICKER VÀ GIF
Sticker và GIF có thể được coi là hai tính năng bắt buộc phải có đối với mọi ứng dụng nhắn tin hiện nay, và hiển nhiên chúng đều có mặt trên Facebook và WeChat. Các tính năng này giúp người dùng có một trải nghiệm giao tiếp thú vị hơn, sinh động hơn, dễ dàng thể hiện cá tính, cảm xúc của mình hơn, và qua đó giúp Facebook và WeChat giữ chân người dùng.
Dù không đem lại doanh thu trực tiếp (dẫu WeChat vẫn yêu cầu người dùng trả tiền cho một số loại sticker), nhưng việc giữ chân người dùng khiến sticker và GIF vẫn giúp hai ứng dụng này thu được doanh thu khi người dùng chi trả cho các dịch vụ khác.
Với việc Facebook mới mua lại GIPHY, công cụ tìm kiếm ảnh động, để sáp nhập vào Instagram, trải nghiệm ảnh GIF của ứng dụng này hứa hẹn sẽ còn được nâng cao hơn nữa. Theo nhiều báo đưa tin, Facebook có thể sẽ biến GIPHY trở thành một mô hình kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai.
2. QUẢNG CÁO
Quảng cáo trên WeChat
Báo Economist từng nhận định: “WeChat hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày, từ sáng cho tới đêm. Ở Trung Quốc, một quốc gia nơi người dùng tương tác với internet qua điện thoại di động nhiều hơn cả Mỹ, Indonesia, và Brazil cộng lại, WeChat là một kênh cực kỳ quan trọng với các nhà quảng cáo”.
Bắt đầu từ năm 2014, WeChat bắt đầu kiếm tiền từ quảng cáo, với cái tên WeChat Moments Ads (“moment” trên WeChat tương tự như “status” trên Facebook). Lý do mạng xã hội này bắt đầu kiếm tiền từ quảng cáo muộn như vậy là bởi Tencent trước giờ luôn là một công ty chuyên về game, và game chính là nguồn doanh thu chính của tập đoàn này. Do đó, quảng cáo WeChat không phải là “xương sống” trong mô hình kinh doanh của Tencent, nên không được chú trọng đầu tư từ đầu.
Theo số liệu thống kê trong Quý I, 2018 của Tencent, tập đoàn này có 39% doanh thu đến từ game online, trong khi đó doanh thu từ quảng cáo mới chỉ chiếm 14%. Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo trên WeChat vẫn đang tiếp tục tăng và dự kiến đạt trọng số cao hơn trong tương lai, khi mà mới chỉ có khoảng 50% daily user (số liệu trong tháng 3/2019) tiếp cận với WeChat Moments Ads, bỏ ngỏ nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Quảng cáo trên Facebook
Khác với Tencent, quảng cáo chính là “xương sống” trong mô hình kinh doanh của Facebook. Tới 98.5% doanh thu của Facebook năm 2018 là đến từ quảng cáo!
Nguồn doanh thu này đến từ việc doanh nghiệp trả tiền để hiển thị quảng cáo trên Facebook, Messenger, Instagram và các đơn vị thứ 3 (website hoặc ứng dụng mobile).
Từ 2016 đến 2018, tỉ lệ doanh thu từ quảng cáo của Facebook tăng từ 97.3% tới 98.5%, và được dự kiến sẽ chạm mốc 99% trong năm 2020 nếu gã khổng lồ này không có sự thay đổi đáng kể nào từ mô hình kinh doanh.
3. CÁC NGUỒN KHÁC
3.1. THANH TOÁN
WeChat Payments
Năm 2016, Tencent lần đầu tiên giới thiệu tính năng thanh toán qua điện thoại trên WeChat, và tính năng này đã nhanh chóng đạt ngưỡng 50 tỉ USD tiền luân chuyển hàng tháng qua nền tảng này.
Theo Business Insider vào năm 2018, có không ít hơn 900 triệu người sử dụng WeChat Pay cho nhu cầu thanh toán trực tuyến hàng tháng. Con số này là quá vượt trội so với 127 triệu user tại thời điểm đó của Apple Pay. iResearch Consulting Group ước tính thị phần của WeChat Pay tại Quý III năm 2019 là 39.5%, chỉ đứng sau AliPay với 54.5% thị phần.
Tuy nhiên, Chủ tịch của Tencent, Martin Lau, nhận định WeChat Pay không phải là một mô hình có lợi nhuận cao, bởi lượng tiền phải trả cho người bán dịch vụ và nhiều chi phí khác. Nhưng, giá trị thực sự của WeChat Pay, theo Martin Lau, là giá trị chung tới toàn bộ hệ thống của WeChat, ví dụ như nó cho phép WeChat Moments Ads tạo những quảng cáo mà khách hàng có thể thanh toán chỉ qua một nút bấm, và cũng đồng bộ với các dịch vụ tài chính khác của Tencent. WeChat coi dịch vụ thanh toán là một added value để tăng trải nghiệm và độ trung thành của người dùng, là một trong những “cột trụ” xây nên cả một hệ thống của Tencent (WeChat, game,…).
Từ tháng 3, 2016, WeChat bắt đầu thu phí 0.01% giá trị giao dịch khi người dùng rút tiền từ ví nhưng không lưu chuyển qua hệ thống WeChat. Khoản phí này nhằm hạn chế người dùng trong việc rút tiền khỏi hệ thống, từ đó giữ cho tiền luôn chảy qua hệ thống các ví WeChat, và nâng cao khả năng người dùng chi trả cho các dịch vụ khác trên hệ thống.
Facebook Payments
Từ lâu, ở Mỹ và châu Âu, Facebook đã có tính năng cho phép người dùng thanh toán qua Messenger. Người dùng có thể liên kết tài khoản Messenger của mình với thẻ tín dụng, và chuyển tiền cho bạn bè, hoặc các doanh nghiệp khác đặt quảng cáo thông qua Messenger.
Trong tổng doanh thu năm 2018, mảng thanh toán của Facebook chỉ chiếm chưa tới 1.5% tổng doanh thu, và được dự đoán sẽ giảm tới 1% trong năm 2020. Lượng doanh thu này đến từ các nhà phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán của Facebook.
Cuối tháng 4/2020 vừa rồi, Facebook triển khai Facebook Pay tại Mỹ. Nền tảng này nhằm giúp việc thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng như Messenger, Instagram, hay Whatsapp dễ dàng hơn.
Facebook Pay cho phép người dùng chuyển tiền cho bạn bè, ủng hộ từ thiện, chi tiêu trong game, đặt vé sự kiện,… mà không mất phí. Facebook đồng thời nhấn mạnh rằng nền tảng này cũng là độc lập so với ví tiền ảo Calibra (chạy trên hệ thống Libra).
3.2. XÁC MINH TÀI KHOẢN
Cả Facebook và WeChat đều có tính năng xác minh tài khoản chính chủ (bạn có thể thấy quen thuộc hơn với cụm từ “dấu tích xanh”). WeChat yêu cầu người dùng trả phí để được xác minh, còn Facebook thì không.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI
Những phân tích so sánh ở trên cho thấy Facebook đang đi theo chiến lược phát triển của WeChat, không phải ngay tại hiện tại, mà là trong tương lai.
WeChat đã cho thấy một ứng dụng nhắn tin có thể phát triển để trở thành một siêu ứng dụng như thế nào. Và Facebook cũng đang dần như vậy.
Tuy nhiên, có vẻ Facebook không hoàn toàn đi theo mô hình của WeChat. Sự ra mắt của ví điện tử Calibra, hay mới đây là tính năng Facebook Shop, cho thấy Facebook đang đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực thanh toán điện tử và e-commerce (nên chú ý rằng 2 lĩnh vực này bổ trợ mật thiết cho nhau), và khả năng cao trong tương lai xa, một trong những nguồn doanh thu chính của Facebook sẽ đến từ các dịch vụ thanh toán.
Ai có thể tưởng tượng được điều gì có thể xảy ra khi 2.6 tỉ người cùng dùng chung một đồng tiền, giao tiếp qua cùng một ứng dụng, và mua sắm trên cùng một nền tảng? Một “all-in-one-app” Facebook trong tương lai sẽ trông như thế nào?
Chúng ta hãy cùng dự đoán.
Bài viết này dựa trên khung phân tích của tác giả Sinéad Kennedy trong bài viết gốc “Making Money from Messaging- The Wechat Example”, với các thông tin được ThinkZone thu thập từ nhiều nguồn và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn năm 2020.
nguồn: thinkzone.vn
Bài này đã được đọc 1291 lần!