Bạn sẽ đọc khoảng: 5 phút

Đông Nam Á là khu vực có các thị trường thuộc nhiều lĩnh vực với quy mô rộng nhất cùng tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế Internet của khu vực này đã đạt ngưỡng quy mô 100 tỉ USD, thì ngành thương mại điện tử Đông Nam Á càng lộ rõ những cơ hội tăng trưởng vượt bậc.

Từ năm 2015, số lượng người mua hàng và người bán hàng online đã tăng gấp 3 lần tới con số 150 triệu người, và các thị trường thương mại điện tử địa phương đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình. Với những tiềm năng trên, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đang chứng kiến cuộc cạnh tranh xuyên biên giới giữa rất nhiều cái tên, cả lớn lẫn bé như Tokopedia (Indonesia), Zalora (Malaysia), Shopee (Singapore), Lazada (Singapore), Tiki (Vietnam),… 

Sendo là một trong những “big player” của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, là doanh nghiệp đứng thứ 2 trên thị trường này (quý 3, 2019 – theo báo cáo của iPrice), chỉ đứng sau Shopee, và đứng trên một chút so với Lazada. Sendo cũng đứng thứ 2 trên thị trường Việt Nam về lượt tải app, và đạt lượng truy cập trang web lên tới 31 triệu truy cập/tháng. 

Các doanh nghiệp thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam. Nguồn ảnh: iPrice Insights

Bài viết này phân tích cách mà doanh nghiệp này cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử “đầy khốc liệt” trong khu vực.

Theo một khảo sát từ Sendo, khoảng 75 triệu người Việt Nam sinh sống ngoài các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, và đây là phần thị trường mà những doanh nghiệp thương mại điện tử khác vẫn chưa phục vụ thực sự tốt. Điều này đã mở cho Sendo một hướng đi, đó chính là nhắm vào những thị trường kể trên, nơi vẫn còn có khoảng trống lớn giữa cung và cầu cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Và dưới đây là cách mà Sendo đã tiếp cận mảng thị trường đầy tiềm năng này:

1. KHÔNG CHỈ TẠO RA NHU CẦU, MÀ CÒN GIẢI QUYẾT NHU CẦU

Trong khi các thành phố liên tục phát triển, thì cơ sở hạ tầng logistic để phân phối sản phẩm dịch vụ lại chưa đuổi kịp tốc độ đó.

Co-founder và CEO của Sendo, ông Trần Hải Linh nhận định rằng: “Khoảng trống trong hệ thống phân phối khiến người tiêu dùng ở các thành phố và tỉnh thành nhỏ khó tiếp cận được những sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng”.

Ông Trần Hải Linh, co-founder và CEO của Sendo. Nguồn ảnh: Internet

Báo cáo nghiên cứu thị trường của công ty này còn cho thấy người dân ở các khu vực này thường phải di chuyển từ 10 đến 20 km tới siêu thị để mua những sản phẩm thiết yếu hàng ngày. 

Ngoài ra, người tiêu dùng nơi đây cũng thường hạn chế mua những sản phẩm có mức giá cao hơn $1,000 như iPhone hay TV hiện đại. Hiểu được insight này, Sendo đã thay đổi lại danh sách mặt hàng bày bán tới người dùng thuộc tập này, cụ thể là hạn chế giới thiệu các mặt hàng xa xỉ, đặt trọng tâm vào các sản phẩm quần áo, đồ gia dụng với mức giá tầm trung. Sendo cũng ưu tiên tối ưu trải nghiệm người dùng, giúp cho quá trình mua hàng của khách hàng vùng xa dễ dàng nhất có thể.

Bằng hướng đi này, Sendo đã giúp người dân vùng sâu vùng xa có thể mua được những sản phẩm không dễ tìm được ở các cửa hàng địa phương, với mức giá phải chăng.

2. XÂY DỰNG LÒNG TIN KHÁCH HÀNG

Hiểu được lối suy nghĩ của người Việt, Sendo đã giúp người tiêu dùng vượt qua những nghi ngại ban đầu khi mua hàng online. 

Từ năm 2012, Sendo là nền tảng E-commerce đầu tiên hỗ trợ phương thức thanh toán khi nhận hàng (cash on delivery) thông qua công ty vận chuyển trung gian. Sendo không đợi cho đến khi các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển hoàn thiện, và cash on delivery là phương án tốt nhất để tạo trải nghiệm mua hàng thuận tiện cho khách hàng và xây dựng lòng tin trong họ.

Rồi đến khi người dân ở các khu vực này quen với việc mua sắm online và bắt đầu sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, SenPay ra đời, và công ty đã đạt ngưỡng giá trị giao dịch cao nhất vào quý 3 năm 2019. Sendo nói rằng 100% users của họ đang sử dụng SenPay là phương thức thanh toán chính bởi họ tin tưởng kênh này. Và nếu người mua hàng không gửi bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 48 giờ sau khi nhận sản phẩm, thì Sendo mới chuyển tiền thanh toán cho bên bán hàng. 

3. HIỂU RÕ CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI BÁN

Về phía người bán, Sendo thường xuyên làm việc với chủ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và bởi những doanh nghiệp này thường có khoản ngân sách giới hạn, Sendo không thu phí hoa hồng từ họ. Thay vào đó, công ty này cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các gói hỗ trợ truyền thông, vừa là nguồn thu cho Sendo, vừa giúp các doanh nghiệp SME tăng doanh thu bán hàng.

CHIẾN LƯỢC TƯƠNG LAI

Trong tương lai, Sendo dự kiến gia tăng số lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu rộng của khách hàng. Công ty này cũng tiếp tục hướng đến các thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn, cung cấp các dịch vụ mà hiện tại vẫn đang chưa có hoặc quá đắt đỏ với người dân ở những khu vực này.

Một chiến lược khác cũng được CEO Trần Hải Linh đưa ra đó là việc đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo (AI). Sendo đang xây dựng đội ngũ chuyên gia AI, phối hợp cùng các trường đại học và nhà khoa học tại Việt Nam và Singapore để đưa AI vào các hoạt động vận hành chính của công ty như tìm kiếm sản phẩm, cá nhân hóa các chế độ hiển thị, chăm sóc khách hàng, kiểm soát lỗi giao dịch và hàng hóa giả, tối ưu hóa vận chuyển, và bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Sendo cũng hướng tới việc đầu tư vào hệ thống logistic và dịch vụ thanh toán trực tuyến. Và cả 3 chiến lược kể trên sẽ được triển khai sau đợt gọi vốn Series C 61 triệu USD vào tháng 11/2019 vừa rồi.

→ Có thể nói, Sendo là một trong số ít những công ty đạt mức thành công như ngày hôm nay mà không dựa trên chiến lược đốt tiền, thường được áp dụng bởi đa số các công ty Ecommerce trong khu vực. Thành công này của Sendo đến từ việc nhắm tới một “đại dương xanh” rộng lớn đang bị các đối thủ bỏ ngỏ; và phát triển riêng cho mình một hệ sinh thái bao gồm truyền thông, logistics, và dịch vụ tài chính để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

nguồn: thinkzone.vn

Bài này đã được đọc 2068 lần!